Nhận lời mời của Thủ tướng nước CHDCND Lào Sonexay Siphandone, chiều tối nay 4/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 được tổ chức tại Vientiane, Lào.
Tham gia đoàn đại biểu Việt Nam dự hội nghị có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Ủy hội sông Mekong quốc tế (Ủy hội) gồm 4 nước thành viên là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam; là cơ chế hợp tác Mekong lâu đời nhất và là cơ chế duy nhất hoạt động dựa trên một hiệp định quốc tế nhằm tạo khuôn khổ hợp tác phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của khu vực. Đây là diễn đàn khu vực quan trọng để thúc đẩy hợp tác hòa bình và cùng có lợi nhằm phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.
Lưu vực sông Mekong gồm của 6 quốc gia, trong đó Trung Quốc và Myanmar là hai quốc gia nằm ở thượng nguồn. Tuy nhiên, Trung Quốc và Myanmar không phải là thành viên của Ủy hội mà là đối tác đối thoại và sự tham gia của đại diện Trung Quốc và Myanmar thể hiện sự tiếp tục cam kết hợp tác của hai quốc gia này đối với sự phát triển tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của toàn lưu vực sông Mekong.
Điều này cũng thể hiện mối quan tâm chung, tầm nhìn chung của tất cả các quốc gia ven sông, từ thượng nguồn tới hạ du, về một lưu vực sông Mekong “thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, và bền vững về môi trường và khả năng chống chịu khí hậu”.
Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện của các đối tác phát triển chiến lược của Ủy hội, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ lâu dài đối với Ủy hội nói riêng và lưu vực Mekong nói chung, đóng góp quan trọng cho các thành tựu đạt được của Ủy hội, giúp Ủy hội trở thành một hình mẫu về một tổ chức lưu vực sông uy tín trên thế giới, đồng thời góp phần không nhỏ cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong nói chung.
Hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mekong có chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong” với 5 mục tiêu: Tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của bốn quốc gia thành viên trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và chức năng của Ủy hội; Tiếp tục khẳng định các mục đích và các nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực; Ghi nhận các thành tựu đạt được từ các Hội nghị cấp cao trước đây; Ghi nhận các thách thức và cơ hội có liên quan đến nước, bao gồm các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và quản lý môi trường của lưu vực sông Mekong; và Xác định các định hướng và chỉ đạo liên quan đến phát triển và quản lý lưu vực và thống nhất các thỏa thuận/kế hoạch để đạt được các kết quả của Chiến lược phát triển lưu vực Mekong giai đoạn 2021- 2030.
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội, đại diện của các đối tác đối thoại của Ủy hội là Trung Quốc và Mianma, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực Mekong, được tổ chức 4 năm/lần, bắt đầu từ năm 2010 vào ngày 5/4 - đúng vào ngày ký kết Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mekong 1995. Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự hợp tác Mekong được cam kết và ủng hộ mạnh mẽ từ cấp cao nhất của Chính phủ các quốc gia thành viên Ủy hội, và các bên liên quan cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong.
Tại Hội nghị, các Thủ tướng sẽ thảo luận về các khó khăn, thách thức cũng như các cơ hội đối với sự phát triển của lưu vực Mekong, và dựa trên các kết quả nghiên cứu và xu hướng cập nhật trong quản lý tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên của lưu vực sông trong khu vực và trên thế giới để cùng định hướng ưu tiên cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong, đưa ra các chỉ đạo chiến lược cho Ủy hội sông Mekong quốc tế đối với các hoạt động kỹ thuật và hợp tác, đối tác.
Đây là những nội dung hết sức quan trọng, nhằm giúp cho Ủy hội đạt được các mục tiêu trong hoạt động của mình, góp phần đạt được mục tiêu và tầm nhìn cho lưu vực, đồng thời giúp tăng cường và mở rộng sự hợp tác của Ủy hội với các đối tác. Các Thủ tướng sẽ thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị – Tuyên bố Vientiane.
Những năm gần đây, với vị trí là quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực, có trách nhiệm, thúc đẩy hợp tác với các nước thành viên khác của Ủy hội, các đối tác quốc tế nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của sông Mekong, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhất là của vùng ĐBSCL.
Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 4 trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, chính trị, an ninh, quốc phòng được giữ vững; kinh tế đạt tăng trưởng 8,02% trong năm 2022, cao nhất trong 11 năm qua và đứng hàng đầu khu vực. Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng phải đối mặt với các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường, đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác tại Ủy hội./.
Theo Vũ Khuyên/VOV - 4/4/2023
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-pham-minh-chinh-tham-du-hoi-nghi-cap-cao-uy-hoi-song-mekong-quoc-te-post1011735.vov