Cập nhật: 06/04/2023 09:05:00
Xem cỡ chữ

Thời gian vừa qua ở một số địa phương trên cả nước vẫn còn có những câu chuyện chưa đẹp về ứng xử văn hóa trong các nhà trường giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh, điều này đã gây nhiều tranh luận trái chiều trong dư luận xã hội.

Vậy làm sao để xây dựng trường học hạnh phúc đó là yêu thương, an toàn và tôn trọng đang được các cấp học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, triển khai xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, để hoàn thiện, phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống tốt đẹp của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, từ đó nâng cao chất giáo dục ở mỗi nhà trường.

Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò, vì vậy, mỗi khi có tình trạng học sinh vi phạm các nội quy, quy định về trang phục, quần áo, đầu tóc khi đến trường, các thầy cô giáo lập tức tuyên truyền nhắc nhở, phối hợp với phụ huynh vào cuộc thì các em học sinh đã kịp thời sửa chữa và không tái phạm.

Với mục tiêu xây dựng văn hóa học đường thiết thực, hiệu quả, không hình thức, thời gian qua Trường THCS Trung Kiên, huyện Yên Lạc luôn chú trọng triển khai xây dựng môi trường văn hóa, văn hóa ứng xử; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; xây dựng văn hóa trong tổ chức các hoạt động tập thể; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong vận dụng kiến thức; kết hợp giữa dạy chữ, dạy người. Giáo viên sẽ là người tiên phong trong việc thực hiện là tấm gương để học sinh noi theo. Đối với các em học sinh việc thực hiện các nội quy, quy định trong trường học là điều bắt buộc trong việc xây dựng văn hóa học đường.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thời gian qua, huyện Yên Lạc cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng việc xây dựng văn hóa học đường trong các nhà trường trên địa bàn huyện. Trường học ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò mới có thể nói tới các giá trị khác được, xây dựng môi trường học đường có văn hóa, để mỗi ngày đến trường của các em học sinh là một ngày vui, đồng thời giáo dục cũng thực hiện được sứ mệnh thiêng liêng, đó là sứ mệnh trồng người./.

Nguyễn Toàn