Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Ở các tỉnh Tây Nguyên, vào ngày Giỗ Tổ hằng năm, dù không có điều kiện về Phú Thọ dâng hương tại đền Hùng, thì mỗi người dân đều có những hoạt động thể hiện lòng thành tại địa phương mình đang sinh sống.
Đã thành lệ, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, bà Tạ Thị Ka, ở phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột lại có mặt tại Di tích lịch sử quốc gia Đình Lạc Giao, thành phố Buôn Ma Thuột, để dự lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Bà cho biết, những năm trước còn trẻ khỏe, năm nào bà cũng hành hương về đất tổ Phú Thọ tham dự lễ giỗ Tổ. Khoảng 10 năm trở lại đây, bà tham gia sinh hoạt với hội bô lão ở Đình Lạc Giao, mỗi dịp lễ cùng tất bật chuẩn bị nhang đèn, mâm lễ.
Bà Ka cho biết: "Tôi thấy không khí chuẩn bị rất trang nghiêm và toàn dân đều hướng về ngày Giỗ Tổ. Không khí của toàn dân ở đây vừa vui mừng vừa hân hoan muốn về lại nơi thờ các vua Hùng để được tự tay mình thắp nén nhang hướng về cội nguồn".
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng tại Di tích lịch sử quốc gia Đình Lạc Giao, thành phố Buôn Ma Thuột.
Tại Di tích quốc gia Đình Lạc Giao, hàng năm lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng với sự tham dự của các lãnh đạo tỉnh, các sở ngành và các tầng lớp nhân dân. Mọi người dân đều thành kính dâng hương tưởng niệm, làm lễ bái vọng Quốc Tổ Hùng Vương.
Tham dự lễ, chị Nguyễn Ngọc Hà, ở phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: "Là một đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, tôi rất vui, vinh hạnh khi tham dự buổi lễ. Qua đó chúng tôi được có cơ hội tìm hiểu về truyền thống của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là một cái cơ hội để chúng tôi tham gia các hoạt động văn hóa xã hội để góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam".
Lãnh đạo và nhân dân địa phương thành kính dâng hương, bái vọng Quốc Tổ Hùng Vương.
Không chỉ riêng Đắk Lắk mà ở các tỉnh Tây Nguyên, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương cũng được tổ chức trang nghiêm, long trọng. Tại Đắk Nông, hội đồng hương Phú Thọ đã xây dựng một nhà thờ ở vùng biên giới Đăk Bu So, làm nơi hướng về đất Tổ. Tại Lâm Đồng, từ năm 2002, Đền thờ Âu Lạc đã được xây dựng trên núi Phượng Hoàng, thuộc khu du lịch thác Prenn, phường 3, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Theo chị Phan Thị Thúy Vi, hướng dẫn viên du lịch ở thành phố Đà Lạt, đền thờ này được xây dựng mô phỏng khá toàn diện kiến trúc đền Hùng tại Phú Thọ với thế “voi quỳ, hổ phục, long chầu”, trở thành địa điểm thu hút đông người dân và du khách, đặc biệt là trong dịp lễ Giỗ Tổ.
Chị Vi chia sẻ: "Đền Thượng là Đền thờ Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, nằm ở vị trí cao nhất so với mặt nước biển là 1.250 mét, đi bộ từ ở phía dưới chân tháp lên tới đây là khoảng 630 bậc thềm là lên tới đỉnh núi Phượng Hoàng. Sau đền Thượng là đi xuống đền Trung, nơi thờ vị vua thứ bảy và xuống đền Hạ là thờ vị vua cuối cùng của các đời vua Hùng. Ở đây với khuôn viên rất rộng thì thường tổ chức những hoạt động như hội trại, lễ hội thi gói bánh chưng hàng năm. Còn ở đền Thượng thì vào ngày mùng 10/3 thì có lễ hội dâng hương, cúng các vị vua Hùng".
Đền thờ Âu Lạc tại Lâm Đồng được xây dựng mô phỏng khá toàn diện kiến trúc đền Hùng tại Phú Thọ.
Đầu năm nay, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng đền thờ Vua Hùng trên vùng Tây nguyên. Theo đó, tỉnh sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng đền thờ Vua Hùng trên diện tích khoảng 20ha, đặt tại đồi Cư Mblim, thuộc xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột) và xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin). Việc đầu tư xây dựng đền thờ Vua Hùng nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, giáo dục truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Đồng thời phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cổ truyền của đông đảo nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây nguyên. Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có phản hồi đề nghị bổ sung một số nội dung liên quan để hoàn thiện hồ sơ.
Ông Đại nói: "Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã giao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đứng ra xin ý kiến của các sở, ngành để tiến hành các bước tiếp theo để xây dựng đền thờ Vua Hùng khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk. Đến nay các công việc chuẩn bị đang còn trong quá trình tiến hành các khâu cuối cùng theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Ở cấp tỉnh đã họp, các sở, ngành xin ý kiến và cũng đã thống nhất được các bước tiếp theo để trình xin ý kiến của Thủ tướng phê duyệt".
Từ năm 2012, Tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam, là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Cũng như người dân trên khắp cả nước, những ngày này, người dân ở khu vực Tây Nguyên cùng hướng về lễ giỗ Quốc tổ với tấm lòng thành kính, tri ân./.
Theo H Xíu/VOV-Tây Nguyên - 25/04/2023
https://vov.vn/van-hoa/tin-nguong-tho-vua-hung-o-tay-nguyen-post1015984.vov