Thực hiện mong muốn của Bác là: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta". Năm 2022, Vĩnh Phúc lọt vào tốp 10 tỉnh thành có GRDP và GDP cao nhất cả nước, thu ngân sách vượt mốc 40 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 5 toàn miền Bắc.
Từ thành quả này, Vĩnh Phúc đang triển khai thí điểm xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu" - Đây là hướng đi mới với khát vọng tạo bước chuyển lớn trên quan điểm xuyên suốt “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển" và xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu" cũng chính là vận dụng vào thực tiễn những nội dung cốt lõi từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc và những Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh.
Theo Đề án thì toàn tỉnh sẽ triển khai xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu" ở 9 huyện, thành phố trong tỉnh. Chủ trương lớn này đang được triển khai rộng rãi tới người dân các địa phương.
Thôn Khoái Trung, xã Đức Bác, huyện Sông Lô đang manh nha bước đầu triển khai cho xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Đó là nhà văn hóa thôn đang chuẩn bị được xây mới, đảm bảo tiêu chuẩn, có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật của tổ hợp văn hóa - thể thao kết hợp linh hoạt với các khu trưng bày, điểm tập kết hàng hóa của địa phương và các công trình tôn giáo, tín ngưỡng.
Nơi đây có làng nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh, làng xã vốn đã đẹp, đã trù phú, nhưng khát vọng của người dân không dừng lại ở đó, họ muốn làng quê mình giàu đẹp, văn minh hơn. Ý Đảng đã đúng với lòng dân. Từ khi có chủ trương nơi đây được chọn để xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”, người dân có thêm nhiều ý tưởng làm cho làng nghề phát triển hơn nữa. Khát vọng làm giàu của người dân thôn Khoái Trung sớm được hiện thực hóa khi Tỉnh có chính sách hỗ trợ để người dân có động lực đủ lớn và nguồn lực đủ mạnh tạo nên giá trị vật chất và tinh thần.
Cả thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường lúc nào cũng vang rền âm thanh nhộn nhịp của làng rèn. Anh Phùng Văn Đô, Giám đốc HTX rèn thanh niên xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường đã theo nghề rèn từ - nhỏ. Anh vừa được nhận chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc, đó là vinh dự rất lớn với anh và gia đình nhưng cũng tạo động lực rất lớn cho các hộ dân ở thôn Bàn Mạch để họ nỗ lực theo nghề.
Được lựa chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, cả làng nghề đều phấn khởi, bởi họ không chỉ có làm nghề đơn thuần, mà tương lai họ còn được đón nhiều khách thập phương đến đây trải nghiệm, nên ai cũng mong muốn có vốn để đầu tư thiết bị, sắp xếp, mở rộng quy mô sao cho làng nghề thêm sạch đẹp, tấp nập và trù phú.
Tổ dân phố Trong ngoài, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên - nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống nổi tiếng, trong đó phải kể đến Lễ hội Kéo Song, hay ngôi đình Ngọc Canh nằm trong cụm di tích Đình Hương Canh mới được công nhận là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt cấp quốc gia. Đó là niềm vinh dự, tự hào của người dân toàn thị trấn nói chung.
Khi cuộc sống đủ đầy hơn, người dân ngày càng hướng về cội nguồn, mong muốn được phục dựng lại nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Người dân mong chờ việc cải tạo lại khuân viên của đình, phục dựng tôn tạo giếng đá cổ để hàng năm vào tháng 7, cả làng lại tổ chức lễ hội kéo giếng, tưởng nhớ tới công ơn lập làng của ông cha xưa.
Tất cả những mong muốn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, khát vọng làm giàu, xây dựng những miền quê đáng sông của người dân, với quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc là “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển". Đó là những căn cứ thực tiễn để Vĩnh Phúc quyết tâm xây dựng thành công các Làng văn hóa kiểu mẫu. Tại dự thảo Nghị quyết ban hành quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025.
Theo dự kiến Chương trình kỳ họp Chuyên đề của HĐND tỉnh diễn ra vào chiều 27/4 sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết quy định chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025. Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ, ví dụ: hỗ trợ mô hình kinh doanh dịch vụ thương mại; hỗ trợ mô hình điểm du lịch cộng đồng; vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được xếp hạng... Trong đó quy định cụ thể đối tượng, mức hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ... đối với từng lĩnh vực.
Việc ban hành các Nghị quyết cũng là thể hiện quyết tâm chính trị của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thực hiện lời căn dặn của Bác là “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta”./.
Thuỳ Linh