Cập nhật: 05/05/2023 14:40:00
Xem cỡ chữ

Bắt đầu từ ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chính thức tăng giá bán lẻ điện bình quân lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Việc tăng giá bán lẻ điện bình quân vào đúng thời điểm đầu mùa hè sẽ có tác động không chỉ với sản xuất mà cả tiêu dùng. Vì vậy để hạn chế việc phải trả nhiều tiền điện, nhất là khi cao điểm mùa nắng nóng đã đến, người dân và doanh nghiệp trong tỉnh phải tính toán để có các giải pháp tiết kiệm tối đa lượng điện phải tiêu thụ.

Mặc dù chưa phải là cao điểm nắng nóng nhưng hầu như tháng nào gia đình bà Nguyễn Thị Tính ở xã Văn Quán, huyện Lập Thạch đều phải tiêu tốn hết khoảng 1,5 triệu đồng chi trả tiền điện. Bà Tính lo lắng, sắp tới khi nắng nóng kéo dài, với 4 chiếc điều hòa và quạt máy phải sử dụng liên tục vì nhà đông người và có cháu nhỏ thì hóa đơn tiền điện sẽ tăng lên khá cao.

Công ty TNHH TM&SX Quang Mạnh, huyện Lập Thạch cho biết, giá điện tăng sẽ tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Với mức tăng 3% như hiện nay thì bắt buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh sử dụng năng lượng hợp lý và tiết kiệm hơn, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của doanh nghiệp bằng cách đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự cung cấp điện cho sản xuất.

Điện là loại năng lượng đặc biệt, mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, là chi phí đầu vào quan trọng, sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của hộ gia đình. Khi điều chỉnh giá điện, buộc các tổ chức kinh tế và hộ gia đình phải điều chỉnh, thực hành tiết kiệm điện, cùng chia sẻ khó khăn với ngành điện và Chính phủ./.

Phương Liên