Cập nhật: 11/05/2023 17:16:00
Xem cỡ chữ

Ngày 17/7/2020 HĐND đã ban hành Nghị quyết số 06/2020/NQ –HĐND về hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 -2025. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương để triển khai sâu rộng nghị quyết. Bước đầu qua quá trình triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đây, từng bước nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác và nâng cao đời sống người nông dân.

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06/2020/NQ –HĐND về hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, sản xuất nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Cánh đồng sản xuất lúa Đông Xuân 2023 tại xã Đồng Ích huyện Lập Thạch có diện tích gieo cấy lúa lớn nhất trên địa bàn huyện. Nhờ tận dụng tốt hệ thống trạm bơm nội đồng và thực hiện tuyên truyền tốt trong việc lấy nước đổ ải, cấy, tưới dưỡng nên gần 700 ha lúa của xã sinh trưởng và phát triển tốt. Tại đây, từ năm 2021 khi được tiếp nhận hệ thống thủy lợi nội đồng và nhận hỗ trợ dịch vụ thủy lợi, theo chỉ đạo của phòng nông nghiệp huyện Lập Thạch, xã Đồng Ích đã tiến hành rà soát, tu bổ và vận hành hiệu quả hệ thống bơm tưới tiêu cho các diện tích trồng trọt trên địa bàn.

Toàn huyện Lập Thạch hiện có trên 12.000ha diện tích cây hàng năm, trong đó diện tích gieo cấy lúa 2 vụ là trên 7.000ha. Theo tinh thần của Nghị quyết số 06/2020/NQ –HĐND về hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã nhận bàn giao gần 700km kênh mương nội đồng và 15 trạm bơm nhỏ cùng một số hồ thủy lợi nhỏ. Mặc dù địa hình đồi núi, ruộng đồng bị chia cắt gây khó khăn cho việc tưới tiêu xong các địa phương trên địa bàn huyện đã chủ động khai thác, vận hành bơm tưới để phục vụ sản xuất nông nghiệp và tất cả các hộ dân tham gia sản xuất đều được thụ hưởng chính sách từ nghị quyết. Nhờ vậy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển đóng góp tích cực cho sản xuất tại địa phương:

Nghị quyết số 06/2020/NQ –HĐND quy định đối tượng hỗ trợ là các hộ gia đình, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Phạm vi hỗ trợ là từ sau điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đến khu đất canh tác. Mức hỗ trợ là 100% số tiền phải đóng góp của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Phương thức hỗ trợ là gián tiếp thông qua các doanh nghiệp, tổ chức thủy lợi cơ sở, cá nhân thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi nội đồng. Nguồn kinh phí được lấy từ nguồn sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách cấp tỉnh được cân đối trong dự toán ngân sách hàng năm và thời gian thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025.

Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Sở NN &PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 44/2020/QĐ - UBND ngày 31/12/2020 quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trước đó, từ năm 2019, Sở NN&PTNT đã xây dựng Đề án xác định điểm giao nhận sản phẩm dịch vụ thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, từ đó, bàn giao thuỷ lợi nội đồng về cho tổ chức thuỷ lợi cơ sở. Đồng thời, từ năm 2021, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí công tác thủy lợi nội đồng về cho cấp huyện triển khai thực hiện. Hiện nay, UBND các huyện, thành phố thực hiện đặt hàng dịch vụ thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đối với các tổ chức thủy lợi cơ sở và kiểm tra, nghiệm thu, quyết toán đối với công tác này. Kinh phí hỗ trợ mỗi năm khoảng 25 tỷ đồng. Việc hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng quy định, đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung thực hiện. Qua đây, góp phần tạo điều kiện cho các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Quá trình thực hiện Nghị quyết số 06/2020/NQ –HĐND về hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 -2025 cho thấy, Nghị quyết đã mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân nên được bà con đồng tình hưởng ứng. Qua đây, góp phần giảm bớt gánh nặng cho các tổ chức thủy lợi cơ sở, khuyến khích người nông dân gắn bó với đồng ruộng để nâng cao năng suất, sản lượng nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định và phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, việc bàn giao thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng cho địa phương đã giúp các địa phương chủ động trong công tác tưới tiêu để việc phối hợp tưới tiêu giữa địa phương với các công ty thủy lợi được tốt hơn. Qua đây, tạo điều kiện thuận lợi để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi ngay từ cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết vẫn tồn tại một số khó khăn như: công tác phối hợp điều tiết thủy lợi tại một số nơi, một số thời điểm chưa được tốt dẫn đến thất thoát lãng phí nguồn nước. Đặc biệt việc bàn giao thủy lợi nội đồng, thủy lợi nhỏ và vừa về cho địa phương cũng gây khó khăn trước mắt về doanh thu cũng như bài toán lao động việc làm cho các công ty thuỷ lợi. Vì vậy để Nghị quyết đi vào cuộc sống và tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, các địa phương và công ty thủy lợi đều mong muốn tiếp tục được đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi được tốt hơn:

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/2020/NQ –HĐND về hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 -2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương để khắc phục những tồn tại, phát huy những kết quả đạt được để nghị quyết đi vào cuộc sống. Qua đây, góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người nông dân và thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.

Đức Thiện