Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội về chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (giảm còn 8%). Thời gian áp dụng kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp và người dân ở TP.HCM đang mong chờ chính sách này sớm được thực thi để giảm giá thành sản xuất, kích cầu tiêu dùng.
Giảm VAT có lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng
Chị Nguyễn Thị Tâm ở TP.Thủ Đức cho biết, gần đây thu nhập của chị giảm nhiều nên chi tiêu trong gia đình phải tính toán kĩ. Khi mua hàng tiêu dùng thiết yếu như: sữa, thịt, trứng, dầu ăn…hay những vật dụng khác, chị Tâm đều tìm hiểu các đợt giảm giá rồi mới mua.
Theo chị Tâm, nếu chính sách giảm thuế VAT 2% cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10% thì người tiêu dùng như chị cũng được hưởng lợi.
“Trong điều kiện kinh tế khó khăn, thu bị nhập giảm, việc giảm thuế VAT cho doanh nghiệp sản xuất, mình mua hàng hóa giá sản phẩm cũng được giảm thì đó là một khoản tiền mình tiết kiệm. Mình có thể dùng tiền này để mua thêm thức ăn cho con cái hoặc các sản phẩm bổ sung thêm dinh dưỡng cho con của mình. Vì vậy, việc giảm thuế này có có ý nghĩa rất thiết thực với người dân” - chị Tâm nói.
Nếu việc giảm VAT được thực thi thì nhiều dịch vụ logistics cũng được giảm thuế 2%. (Ảnh: Lệ Hằng)
Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại dịch vụ được giảm thuế này cũng phấn khởi mong chờ chính sách sớm được phê duyệt, thực thi. Khi đó, giá nguyên liệu sản xuất đầu vào của doanh nghiệp chịu VAT sẽ được giảm 2% so với trước.
Các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ logistics, đại lý hải quan…cũng là đối tượng được giảm VAT. Nếu đề xuất giảm 2% thuế GTGT được thực hiện thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ giảm giá thành sản xuất, giảm giá bán ra của sản phẩm, góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước.
Ông Võ Thanh Tú, Giám đốc điều hành Công ty ONEX Logistics mong muốn: “Khi triển khai giảm VAT thì tôi cũng mong rằng các thủ tục đơn giản để không phát sinh thêm việc cho doanh nghiệp. Năm 2022, Chính phủ có triển khai gói hỗ trợ giảm VAT cho người dân và doanh nghiệp, nhưng thay vì giảm cho tất cả hàng hóa và dịch vụ thì giảm có chọn lọc. Chính vì vậy, khi mới triển khai thực hiện giảm thuế, việc hướng dẫn chưa rõ ràng dẫn đến doanh nghiệp áp dụng sai code hàng hóa nên bị phạt và truy thu thuế”.
Nên giảm VAT kéo dài đến hết năm 2024
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM thì không phải chỉ thị trường trong nước đang khó khăn, sức mua yếu cần kích cầu mà thị trường xuất khẩu cũng rất khó khăn.
Do đó, doanh nghiệp hy vọng việc giảm VAT lần này sẽ là “cú hích” kích cầu trong nước và tăng sức cạnh tranh về giá thành cho hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể phục hồi nhanh trong vài tháng cuối năm nay, vì vậy rất cần sự hỗ trợ dài hơi hơn, thời gian giảm VAT cũng nên kéo dài hơn.
Người tiêu dùng TP.HCM mong sớm được giảm VAT để giá hàng hóa tiêu dùng và dịch dịch liên quan giảm. (Ảnh: Lệ Hằng)
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, Hiệp hội doanh nghiệp TP kiến nghị thời gian giảm 2% VAT kéo dài đến hết năm 2024.
“Chúng tôi đề nghị việc giảm thuế này nên kéo dài, vì 6-7 tháng rồi hết giảm thuế. Hóa đơn thực hiện vào thời điểm này nhưng kết thúc sau thời điểm đó. Chẳng hạn như hợp đồng này ký vào cuối tháng 12.2023, nhưng sang tháng 1/2024 mới giao hàng thì hóa đơn ghi như thế nào?” - luật sư Hưng nêu ý kiến.
Nếu việc giảm VAT lần này áp dụng cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế thì TP.HCM ước có thể giảm nguồn thu đến 15.000 tỷ đồng.
VAT là thuế gián thu, người tiêu dùng sẽ được thụ hưởng trực tiếp từ chính sách này. Vì vậy, TP.HCM cũng tính đến giải pháp nếu chính sách được áp dụng thì kịp thời hướng dẫn người tiêu dùng hưởng quyền lợi của mình khi mua sắm, sử dụng dịch vụ./.
Theo Lệ Hằng/VOV-TP.HCM - 13/05/2023
https://vov.vn/kinh-te/giam-thue-vat-de-kich-cau-tieu-dung-post1019827.vov