Việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh là vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm nhất trong phiên thảo luận sáng nay tại hội trường.
(Ảnh minh hoạ: Đức Duy/Vietnam+)
Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) diễn ra hôm nay 26/5 tại Quốc hội, các đại biểu đều thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề về bồi thường cho người lao động, giải quyết các tranh chấp xảy ra giữa người lao động với đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Nên quy định thời hạn bồi thường sản phẩm
Đối với việc bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra quy định tại Điều 34 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận nhận định thời gian qua, quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm ngày càng chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cũng cho rằng nhiều trường hợp sản phẩm không đạt chất lượng như quy định nhưng biện pháp khắc phục của doanh nghiệp cũng chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật… Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định ràng buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh có hàng hóa khuyết tật, sản phẩm bị lỗi phải bồi thường cho người tiêu dùng trong một thời gian nhất định.
Cũng quan tâm tới các quy định trong dự thảo luật về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, tài sản của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đo lường, chất lượng, an toàn như đã cam kết theo quy định.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng trong thời đại công nghệ 4.0 của thế giới phẳng, việc giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ qua nền tảng số qua không gian mạng là tất yếu. Với thực trạng đó, dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) cũng đã bổ sung các quy định về các vấn đề liên quan như quảng cáo trên các nền tảng số…. kịp thời và phù hợp.
Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cũng cho rằng vẫn còn một số nội dung trên không gian mạng cần xem xét kỹ hơn, đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc quảng cáo, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đảm bảo không được sai lệch về chất lượng, giá, công dụng cũng như thổi phồng chức năng của sản phẩm dẫn đến các hành vi lừa dối, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, đồng thời đảm bảo không được vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cũng nhấn mạnh trong điều kiện hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò to lớn và quan trọng trong quảng bá thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, có những có những hành vi đã và đang sử dụng phương tiện này để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch, tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thậm chí còn lập cả trang web giả để giả mạo thương hiệu sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ...
Theo đại biểu Tô Văn Tám, giữa sự bủa vây của những thông tin giả, người tiêu dùng khó phân biệt được, nhiều người “tiền mất tật mang” vì những thông tin sai lệch. Do đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông về trách nhiệm ngăn chặn, loại trừ các thông tin sai lệch mạo danh trên các phương tiện truyền thông xã hội bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ.
Nhiều ý kiến về giải quyết tranh chấp
Việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức kinh doanh là vấn đề các đại biểu quan tâm nhất trong phiên thảo luận sáng nay.
Đại biểu Trần Nhật Minh, Đoàn tỉnh đại biểu Quốc hội Nghệ An cho biết theo báo cáo của Bộ Công thương tổng kết thi hành Luật bảo vệ người tiêu dùng về tiếp nhận và giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng, phương thức trọng tài và tòa án không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết vụ việc lâu, chi phí cao trong khi giá trị các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thấp.
Ngoài nguyên nhân này, đại biểu Trần Nhật Minh còn cho rằng có nguyên nhân khác đó là phương thức giải quyết tranh chấp trong luật hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể, chỉ mới nếu cả phương thức giải quyết tranh chấp mà chưa quy định rõ về cơ chế giải quyết của các bên tranh chấp xảy ra. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi các quy định cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn.
Về thực hiện kết quả thương lượng giá, kết quả hòa giải, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, dự thảo luật thiếu quy định về giải quyết hậu quả pháp lý khi một trong các bên không thực hiện kết quả thương lượng và kết quả hòa giải thành. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định trong thời hạn 60 ngày nếu một bên không thực hiện kết quả thương lượng và hòa giải thành thì bên kia có quyền yêu cầu trọng tài hoặc tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật…
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu tham gia ý kiến đều đề nghị ban soạn thảo xem lại quy định về việc giải quyết vụ án dân sự về quyền lợi của người tiêu dùng khi phân định hai trường hợp đối với các giao dịch có giá trị trên 100 triệu đồng thì áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự còn dưới 100 triệu đồng thì áp dụng theo quy định tại dự thảo luật. Các đại biểu cho rằng chỉ cần vụ việc đủ điều kiện thì có thể giải quyết theo thủ tục rút gọn chứ không phụ thuộc theo giá trị vụ việc.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến Điều 37 của Bộ luật Dân sự. Nếu tất cả các vụ án dân sự liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng mà thỏa mãn Điều 37 thì đều được áp dụng thủ tục rút gọn. Do đó, đại biểu Nguyễn Hoà Bình cho rằng việc quy định mức tiền 100 triệu đồng là hạn chế quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết thêm qua tham khảo kinh nghiệm thế giới đối với các vụ án có quy mô nhỏ, tại Đức các vụ án tranh chấp dân sự có giá trị dưới 50.000 euro thì Tòa án tối cao không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm vì chi phí cho việc giải quyết vụ án có quy mô nhỏ này sẽ lớn gấp nhiều lần giá trị tranh chấp đôi khi chỉ là 1.000-2.000 euro..
Đại biểu Nguyễn Hòa Bình đề xuất ban soạn thảo cần tham khảo kinh ngiệm thế giới. Nếu thỏa mãn theo Điều 37 của Bộ luật Dân sự thì có thể áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Nếu quy mô tranh chấp các vụ án dưới 100 triệu, có thể phức tạp, không thỏa mãn Điều 37 của Bộ luật Dân sự thì cũng vẫn áp dụng thủ tục rút gọn. Quy định như vậy sẽ thỏa đáng hơn.
Giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội về quy định giải quyết tranh chấp các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ cùng cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu sẽ tiếp thu, chỉnh lý qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội để đảm bảo khả thi, đồng bộ, thống nhất, trong đó có Bộ luật Tố tụng dân sự./.
Nhóm PV (Vietnam+) - 26/05/2023
https://www.vietnamplus.vn/quy-dinh-can-bao-ve-chu-khong-han-che-quyen-loi-cua-nguoi-tieu-dung/864705.vnp