Theo một số quan chức và nhà phân tích phương Tây, có 2 tuyến đường chính mà Iran có thể sử dụng để vận chuyển vũ khí và đạn dược cho Nga.
Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, quan hệ hợp tác giữa Nga và Iran đã được nâng lên một cấp độ mới. Iran được cho là đã cung cấp hàng trăm UAV cảm tử, cùng nhiều đạn pháo cho Nga để sử dụng trên chiến trường. Đổi lại, Tehran muốn có một số thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD của Nga như máy bay chiến đấu, hệ thống radar và máy bay trực thăng.
Một cuộc tập trận của Nga trên Biển Caspi. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Giới phân tích cho rằng, có một số tuyến đường mà Iran có thể sử dụng để chuyển vũ khí và đạn dược cho Nga.
Đường biển
Biển Caspi có thể cung cấp một con đường vận chuyển trực tiếp giữa Iran và Nga trong bối cảnh lưu lượng tàu thuyền hoạt động trong vùng biển này ngày càng gia tăng. Theo các chuyên gia, khi sự hợp tác giữa hai nước sâu rộng hơn, Iran có thể đã tận dụng tuyến đường biển này để chuyển giao máy bay không người lái và đạn pháo cho Nga. Dữ liệu hàng hải cho thấy, nhiều tàu tuyền trong khu vực Biển Caspi đang tăng cường “đi đêm” để tránh bị theo dõi hoặc giám sát.
Lloyd's List Intelligence - công ty dịch vụ dữ liệu hàng hải cho biết, số lượng tàu thuyền ở Biển Caspi đã tăng đột biến vào tháng 9/2022. Thông tin này được công bố không lâu sau khi chính phủ Mỹ và Ukraine cho rằng Nga đã mua máy bay không người lái của Iran để sử dụng trong các cuộc tấn công tại Ukraine. Moscow đã gia tăng tần suất các cuộc tấn công bằng UAV nhắm vào những cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine kể từ mùa thu năm ngoái.
Các chuyên gia cho rằng, khả năng của phương Tây nhằm ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí của Iran qua tuyến đường Biển Caspi là rất hạn chế. Martin Kelly, nhà phân tích tình báo hàng đầu tại công ty bảo mật EOS Risk Group nhận định: “Có rất ít rủi ro đối với hoạt động xuất khẩu của Iran ở Biển Caspi vì những quốc gia có chung đường biên giới trên biển với Iran không có khả năng hoặc động cơ để can thiệp vào các loại hình trao đổi này”. Azerbaijan, Turkmenistan và Kazakhstan – những nước có cảng trên Biển Caspi, đều là các nước từng thuộc Liên Xô cũ.
Tàu chở hàng Iran. Ảnh: Sputnik
“Đây là một môi trường hoàn hảo để việc xuất khẩu vũ khí của Iran diễn ra suôn sẻ”, ông Kelly lưu ý. Theo chuyên gia này, số lượng tàu thuyền tắt hệ thống phát tín hiệu trên Biển Caspi đã gia tăng trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9/2022. Lloyd’s List Intelligence cũng cho biết, có rất nhiều lỗ hổng trong việc theo dõi các con tàu trên biển Caspi những tháng đầu năm 2023.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế yêu cầu hầu hết tàu thuyền phải trang bị hệ thống nhận diện tự động (AIS) để cung cấp thông tin về vị trí, hướng, tốc độ và nhận dạng cho các tàu khác và các cơ quan có thẩm quyền ven biển. Những thông tin này giúp các phương tiện tránh bị va chạm với nhau, ngoài ra có thể trợ giúp kịp thời khi có sự cố. Nhưng các con tàu có thể tắt hệ thống để không bị lộ hành trình, điểm đến hoặc không bị phát hiện khi cập cảng. Bridget Diakun, chuyên gia phân tích hàng hải toàn cầu của Lloyd's List cho rằng, điều này thường xảy ra với những con tàu chuyên chở vũ khí.
Bà Bridget Diakun lưu ý, vào cuối năm 2022, số lượng tàu cập cảng của Nga và Iran ở Biển Caspi đã gia tăng nhiều hơn so với mức bình thường. Theo Lloyd's List Intelligence, hầu hết lỗ hổng trong dữ liệu theo dõi xảy ra với tàu chở hàng mang cờ Nga và cờ Iran gần các cảng Amirabad và Anzali của Iran, cũng như ở sông Volga và cảng Astrakhan của Nga. Phương Tây cho rằng, hoạt động của tàu Iran trên Biển Caspi chủ yếu là xuất khẩu máy bay không người lái cho Nga.
Đường không
Ngoài tuyến đường biển, một số quan chức và các nhà quan sát phương Tây cũng cáo buộc Iran chuyển vũ khí và vật tư cho Nga qua đường hàng không. Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine cho rằng, 3 hãng hàng không thuộc sở hữu của nhà nước Iran và một hãng hàng không tư nhân Mahan Air đã vận chuyển máy bay không người lái cùng “những người hướng dẫn vận hành UAV” tới Moscow.
Trước đó vào năm 2022, Bộ thương mại Mỹ đã xác định 4 máy bay chở hàng của Iran mà họ cho là đã bay đến Nga và vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Qua phân tích dữ liệu từ Flightradar24, cac quan chức Mỹ cho biết 4 máy bay chở hàng này đã thực hiện ít nhất 85 chuyến đến các sân bay ở Moscow trong khoảng thời gian từ tháng 5/2022 đến tháng 3/2023.
Vào tháng 11/2022, Iran thừa nhận đã cung cấp một số lượng máy bay không người lái hạn chế cho Nga nhưng Bộ trưởng Ngoại giao nước này, ông Hossein Amir-Abdollahian khẳng định lô hàng này đã chuyển đi trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra và việc mua bán giữa hai bên không vi phạm các điều khoản của Liên Hợp Quốc.
Về phần mình, Nga đã lên án các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết những đồn đoán về việc nước này đang sử dụng máy bay không người lái (UAV) của Iran là "suy luận không có căn cứ", sau khi Ukraine, các đối tác phương Tây tuyên bố có bằng chứng về việc Nga sử dụng chúng ở Ukraine.
Nhà phân tích Martin Kelly cho rằng: “Không loại trừ khả năng một số hãng hàng không của Iran đã vận chuyển UAV sang Nga. Tuy nhiên khi so sánh khối lượng hàng hóa có thể chuyên chở trong một chuyến đi thì một con tàu có sức chứa lớn hơn và có thể mang được nhiều hàng hóa hơn so với máy bay”.
Mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Iran
Các nhà quan sát dự đoán, mức độ hoạt động của tàu thuyền Iran và Nga ở Biển Caspi sẽ vẫn ở mức cao trong năm 2023 và tầm ảnh hưởng của Moscow với vùng biển này sẽ ngày càng gia tăng. Hợp tác trên Biển Caspi – nơi tránh xa ảnh hưởng và sự can thiệp của các quốc gia phương Tây, sẽ giúp củng cố sức mạnh của cả Nga và Iran.
Aniseh Bassiri Tabrizi, người đứng đầu chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) lưu ý: “Biển Caspi là con đường thuận lợi để hai bên tránh các lệnh trừng phạt và cung cấp vũ khí tiềm năng cho nhau”.
Ngay cả trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, đã có nhiều sự quan tâm đối với tuyến đường Biển Caspi. Bridget Diakun – chuyên gia phân tích dữ liệu của Lloyd's List Intelligence cho rằng: “Tuyến đường biển này từng ít được chú ý, nhưng trong nhiều năm qua, các quốc gia giáp Biển Caspi luôn muốn củng cố tuyến đường hàng hải này và tạo ra nhiều hoạt động thương mại hơn. Việc mở rộng các tuyến đường thương mại hàng hải từ lâu đã nằm trong chương trình nghị sự của các nước trong khu vực”.
Theo bà Bridget Diakun, Biển Caspi là con đường chính để trung chuyển hàng từ châu Á đến châu Âu và ngược lại, nhưng đây cũng là “điểm nóng đối với các tàu thuyền tìm cách né tránh trừng phạt”.
Công ty tư vấn Bosphorus Observer có trụ sở tại Istanbul cho rằng, Iran đã đầu tư vào dự án nâng cấp cảng Astrakhan của Nga trước khi xung đột nổ ra để tăng cường vận chuyển hàng hóa đến châu Âu thông qua một tuyến đường có thể tránh được các lệnh trừng phạt.
Tờ Bosphorus Observer cho biết, Iran cũng đang giúp Nga thực hiện dự án nạo vét sông Volga kéo dài nhiều năm. Dự án này sẽ cho phép vận chuyển các chuyến hàng hàng nặng hơn tới cảng Astrakhan và khu vực Biển Đen thông qua kênh đào Volga-Don.
Theo Hồng Anh/VOV.VN Tổng hợp
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phuong-tay-lo-ngai-2-tuyen-duong-giup-iran-van-chuyen-vu-khi-cho-nga-post1022853.vov