Theo thông báo của UNICEF, có tới 29% thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần và theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có khoảng 50% trẻ ở độ tuổi vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trầm cảm, lo âu, rối nhiễu tâm trí. Những con số đáng báo động cho thấy sự cần thiết phải quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường, để từ đó sớm có những tư vấn và can thiệp kịp thời, tránh để những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Trong nhiều năm trở lại đây, những hoạt động tư vấn tâm lý học đường luôn được Vĩnh Phúc quan tâm tổ chức. Đây là một trong những hoạt động quan trọng để nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần và tăng cường khả năng tự chăm sóc tâm lý cho học sinh. Các em không chỉ được cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần của mình mà còn nắm được các dấu hiệu bất thường và những giải pháp tháo gỡ về tâm lý. Sức khỏe về thể chất được đảm bảo, sức khỏe tâm thần ngày càng được quan tâm đúng mức, nhằm đảm bảo rằng lứa tuổi học sinh có được sự hỗ trợ và chăm sóc tốt nhất.
Theo các chuyên gia tại Học viện Quản lý giáo dục, các bệnh lý về sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi học sinh, sinh viên cao hơn hẳn so với tỉ lệ người mắc bệnh ở quần thể chung. Trong tiến trình xây dựng trường học hạnh phúc, một trong những yếu tố rất quan trọng là chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. Những hoạt động tư vấn tâm lý học đường đã bước đầu mang lại hiệu quả cho cả giáo viên và học sinh. Việc xây dựng hệ thống tư vấn tâm lý học đường ngày càng bền vững sẽ giúp đảm bảo học sinh luôn được hỗ trợ và chăm sóc tốt nhất trên hành trình học tập và phát triển./.
Phương Anh