Trong tháng 6/2023, Bộ Tài chính giao Cục Quản lý giám sát bảo hiểm khẩn trương lưu hành kết luận thanh tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam; Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sunlife Việt Nam.
Thông tin về thị trường bảo hiểm 5 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch nhiệm vụ trong tháng 6, Bộ Tài chính cho biết, tổng tài sản ước đạt 855.635 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 736.764 tỷ đồng; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 714.597 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 649.040 tỷ đồng.
Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 558.549 tỷ đồng, tăng 16,33% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 524.626 tỷ đồng.
5 tháng đầu năm 2023, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 855.635 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa: KT)
Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 179.651 tỷ đồng, tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 93.178 tỷ đồng, giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 29.413 tỷ đồng, tăng 19,58% so với cùng kỳ năm trước.
Về đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về các sản phẩm bảo hiểm của Bộ Tài chính, tính đến hết 31/5/2023, đã tiếp nhận, xử lý 201 kiến nghị, phản ánh qua điện thoại và 355 kiến nghị, phản ánh qua hộp thư điện tử.
Về kế hoạch nhiệm vụ trong tháng 6/2023, Bộ Tài chính giao Cục Quản lý giám sát bảo hiểm khẩn trương lưu hành kết luận thanh tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam; Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sunlife Việt Nam; phối hợp với Văn phòng Chính phủ để giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ đối với Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm khi có yêu cầu; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và gửi xin ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế.
Bộ Tài chính cũng giao Cục Quản lý giám sát bảo hiểm tiếp tục tiến hành thanh tra tại các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc kế hoạch thanh tra năm 2023 đã được phê duyệt. Cùng với đó, khẩn trương trình Bộ ký kết, thực hiện quy chế phối hợp cùng cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước.
Đặc biệt, trong các nhiệm vụ trên, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm phải khẩn trương báo cáo Bộ kết quả kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua ngân hàng, tổ chức tín dụng của Manulife.
Trước đó, trong thông cáo phát đi ngày 5/6/2023, Manulife Việt Nam cho biết, nhiều khiếu nại của khách hàng SCB tham gia sản phẩm bảo hiểm “Tâm An Đầu Tư” đã được doanh nghiệp này ưu tiên tập trung giải quyết.
Theo đó, kể từ khi ra thông báo đối thoại trực tiếp về việc giải quyết khiếu nại của khách hàng SCB vào ngày 26/4/2023, tính đến nay, Manulife Việt Nam đã hoàn tất xử lý gần 60% các khiếu nại và hiện đang giải quyết 40% các khiếu nại còn lại. Manulife Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để giải quyết các khiếu nại một cách nhanh chóng nhất.
Theo Diệp Diệp/VOV.VN - 8/6/2023
https://vov.vn/kinh-te/khan-truong-luu-hanh-ket-luan-thanh-tra-tai-4-doanh-nghiep-bao-hiem-nhan-tho-post1025283.vov