Con số trên được PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu ra tại hội thảo "An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia".
Sáng 15/6, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề "An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia".
Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh mạng, vấn đề quản trị an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia Việt Nam và thế giới, nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển nguồn lực cho an ninh mạng…
Hội thảo có sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ gần 30 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và trên 50 cơ quan báo chí trung ương, địa phương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, khẳng định thời gian qua, công tác đảm bảo an ninh quốc gia dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Song với tình hình quốc tế và trong nước ngày càng diễn biến phức tạp, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, việc đảm bảo an ninh quốc gia là yêu cầu tối thiểu để đảm bảo hòa bình, phát triển đất nước.
Quang cảnh buổi hội thảo sáng 15/6 (Ảnh: Mai Nghiêm).
Với việc xem không gian mạng là vùng "lãnh thổ đặc biệt", bảo mật, an ninh mạng và an toàn thông tin sử dụng kỹ thuật mật mã sẽ ngày càng khẳng định vai trò to lớn trong bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của các quốc gia.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chủ nhiệm đề tài KX04-32/21-25 cho biết, hội thảo là nhiệm vụ quốc gia, thuộc đề tài khoa học cấp Nhà nước.
PGS.TS Trường Giang nhấn mạnh, thời gian qua, tình hình an toàn, an ninh mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2022, Bộ Công an đã ghi nhận, phân tích gần 8 triệu cảnh báo, dấu hiệu hoạt động tấn công mạng.
Hoạt động gián điệp mạng, phá hoại của các thế lực thù địch ngày càng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về chủ quyền, an ninh, chính trị, đối ngoại, kinh tế, xã hội...
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang phát biểu tại hội thảo sáng 15/6 (Ảnh: Mai Nghiêm).
Theo PGS.TS Trường Giang, vấn đề an ninh mạng đòi hỏi phải tiếp tục được nhận diện, luận giải, phân tích những điểm mới về mặt lý luận và thực tiễn, tìm kiếm những phương châm, kế sách, giải pháp từ góc độ mật mã, góc độ quản trị để phòng ngừa, ứng phó, giải quyết có hiệu quả các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang bày tỏ mong muốn, hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến thảo luận, chia sẻ, trao đổi của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, để Ban Chủ nhiệm đề tài có thêm những luận cứ, dữ liệu quý báu, chắt lọc được những nội dung tinh túy nhất về vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia, làm tư liệu chuẩn bị cho Văn kiện Đại hội XIV của Đảng sắp tới.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, hội thảo đã đưa ra giải pháp tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau như nhận thức, tư tưởng; chính sách, thể chế, hành lang pháp lý; nguồn lực con người, nguồn lực công nghệ; hợp tác quốc tế; biện pháp trong lãnh đạo, quản lý, quản trị an ninh mạng đảm bảo tính hệ thống…
Ban tổ chức hội thảo sẽ chắt lọc những ý kiến, báo cáo của các đại biểu để phục vụ cho những nhiệm vụ chính trị đang đặt ra hiện nay.
Theo Nguyễn Hải/dantri.com.vn - 15/6/2023
https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-cong-an-ghi-nhan-gan-8-trieu-canh-bao-dau-hieu-tan-cong-mang-nam-2022-20230615161523187.htm