"Luật sư giả” vờ kết nối với bên an ninh mạng, thông báo với nạn nhân số tiền bị lừa đã được kẻ gian chuyển qua hình thức cá cược, rồi yêu cầu nạn nhân đóng tiền để thu hồi số tiền đã mất.
(Ảnh do công an cung cấp)
Ngày 17/6, Công an thành phố Hà Nội cho biết hiện nay, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các tài khoản giả danh luật sư đăng bài về việc hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa đảo.
Nhiều người bị lừa đảo thay vì đến cơ quan công an trình báo sự việc đã liên hệ các tài khoản này với mong muốn thu hồi được tiền.
Các đối tượng sau đó sẽ giả vờ kết nối với bên an ninh mạng, thông báo với nạn nhân số tiền bị lừa đã được kẻ gian chuyển qua hình thức cá cược đặt lệnh trực tuyến với mục đích rửa tiền.
“Luật sư giả” yêu cầu nạn nhân đóng tiền để tham gia vào trò cá cược đặt lệnh để thu hồi số tiền đã mất. Trong quá trình tham gia, sẽ có đội điều tra công nghệ cao hỗ trợ thay đổi tỷ lệ lệnh để thắng cá cược và thu hồi được tiền bị lừa về.
Khi các nạn nhân mắc bẫy, nạp tiền thì các đối tượng sẽ thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi; khi nạn nhân hỏi thì “luật sư giả” nói phải nạp thêm tiền thì hệ thống mới cho rút về.
Trước tình hình trên, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Khi phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, người dân nên đọc, tìm hiểu về những khuyến cáo của Công an thành phố và các tin, bài phản ánh của các cơ quan thông tấn, báo chí về thủ đoạn loại tội phạm này để không sập bẫy lừa đảo.
Trước đó, ngày 16/6, nhờ được Công an xã Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội) tuyên truyền về thủ đoạn đối tượng xấu giả danh công an gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tiền, bà N.T.L (sinh năm 1953, trú ở thôn Đường Nhạn, xã Xuân Nộn) đã tỉnh táo nhận ra, không bị mắc bẫy đối tượng lừa đảo.
Cụ thể, khoảng gần 10 giờ ngày 16/6, bà N.T.L nhận được điện thoại của người đàn ông, tự giới thiệu là Công an xã Xuân Nộn phụ trách thôn Đường Nhạn, mời ra trụ sở công an xã để kích hoạt định danh điện tử.
Cùng với việc thông báo là qua rà soát dữ liệu, xác định bà L. chưa đăng ký, kích hoạt định danh điện tử, "công an xã rởm” còn cho biết bà L. đang bị một ngân hàng có chi nhánh ở quận Tây Hồ đòi nợ số tiền 66 triệu đồng.
Bà L. quả quyết chưa bao giờ vay nợ ngân hàng thì “công an xã” nói là sẽ cho số điện thoại của bà L. để cán bộ Công an Hà Nội trao đổi thêm và sẽ hướng dẫn bà L. làm tường trình, khẳng định không liên quan đến số tiền 66 triệu đồng.
Ít phút sau, một người tự xưng là “cán bộ Công an thành phố Hà Nội,” gọi điện thoại cho bà L.
Sau khi cam kết sẽ hướng dẫn, đảm bảo bà L. vô can trong việc nợ tiền, người này yêu cầu bà L. phải chuyển 66 triệu đồng qua tài khoản để chứng minh không nợ tiền. Sau khi chứng minh xong, bà L. sẽ được nhận lại đủ 66 triệu đồng.
Đến lúc này, bà L. nhận ra chiêu trò lừa đảo của đối tượng xấu mà bà từng được Công an xã Xuân Nộn đến tận nhà tuyên truyền và lập tức tìm cách thông tin đến Công an xã.
Chỉ với vài thao tác, Công an xã Xuân Nộn đã cùng bà L. khiến đối tượng xấu không dám tiếp tục liên lạc qua điện thoại.
Trung tá Đinh Văn Khoa, Trưởng Công an xã Xuân Nộn, cho biết đây là trường hợp lừa đảo đầu tiên ghi nhận ở địa bàn xã và người dân đã rất cảnh giác, nhờ được thông tin, tuyên truyền. Công an xã đã báo cáo lên cấp trên để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân.
Ngoài ra, người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ, hình ảnh nhận diện khuôn mặt…), tài khoản ngân hàng, mã OTP cho người khác khi chưa được kiểm chứng; không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà các đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ; nhanh chóng trình báo cơ quan công an nơi gần nhất khi phát hiện nghi vấn./.
Theo Nguyễn Thắng (TTXVN/Vietnam+) - 17/6/2023
https://www.vietnamplus.vn/xuat-hien-chieu-tro-gia-danh-luat-su-de-lua-dao-chiem-doat-tien/868782.vnp