Cập nhật: 18/06/2023 10:18:00
Xem cỡ chữ

Năm 2023 đánh dấu chặng đường 20 năm Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Suốt chặng đường đó, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng những người làm công tác văn hóa, đặc biệt là các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công Nhã nhạc cung đình Huế đã không ngừng nghỉ bảo tồn, phát huy di sản.

Chú thích ảnh

Biểu diễn Nhã nhạc cung đình tại nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Chặng đường di sản

Khác với ca trù phát sinh từ dân gian rồi vào cung đình, Nhã nhạc có quá trình hình thành, lan tỏa trái ngược và được UNESCO đánh giá là loại hình âm nhạc duy nhất đạt tới tầm vóc quốc gia trong các thể loại nhạc cổ truyền.

Nhã nhạc cung đình xuất hiện vào những năm đầu của triều Lý (1010 - 1225). Tuy nhiên, phải đến thời Nguyễn (1802 - 1945), loại hình âm nhạc này mới thực sự phát triển rực rỡ. Âm nhạc của Nhã nhạc cung đình tao nhã, thiêng liêng thường dùng trình diễn trong các dịp đại lễ trang nghiêm của triều đình, cúng tế thần linh và không thể thiếu dưới triều đại bấy giờ. Từ đây, Nhã nhạc gắn liền với cung đình Huế và phát triển theo mô thức quy phạm đúng chuẩn, bài bản với hàng trăm nhạc chương. Sau khi nhà Nguyễn cáo chung vào năm 1945, Nhã nhạc cung đình Huế đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.

Từ năm 1992, công tác bảo tồn Nhã nhạc cung đình được triển khai và dần được thế giới biết đến. Năm 1994, UNESCO tổ chức Hội nghị quốc tế các chuyên gia về di sản văn hóa phi vật thể tại Thừa Thiên - Huế. Tại đây, một chương trình quốc gia khôi phục và nghiên cứu Nhã nhạc cung đình Huế được đệ trình UNESCO. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa và Thông tin cùng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lập hồ sơ ứng cử cấp quốc gia Nhã nhạc Huế - Nhạc Cung đình Việt Nam đệ trình UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của thế giới.

Giáo sư Trần Văn Khê là người đã có nhiều đóng góp trong việc đưa Nhã nhạc cung đình Huế (âm nhạc cung đình Việt Nam) đệ trình UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Không chỉ góp phần hoàn thiện bộ hồ sơ đệ trình, sinh thời, giáo sư còn ghi dấu khi trực tiếp giới thiệu, chơi nhạc cụ truyền thống trước các bạn bè quốc tế.

Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (từ năm 2008 gọi là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) và là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được thế giới công nhận. Từ đây, Việt Nam có chương trình hành động quốc gia nhằm bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị loại hình âm nhạc này.

Qua hàng trăm năm, Nhã nhạc cung đình được lưu truyền, bảo tồn dưới nhiều hình thức như dàn nhạc, ca chương, bài bản, vũ khúc…"Ngày nay, Nhã nhạc có điều kiện và diễn tấu khá phong phú. Những giá trị nghệ thuật độc đáo của di sản phi vật thể này được các lớp nghệ nhân, nghệ sĩ không ngừng nỗ lực, giữ gìn, lưu truyền và phát huy", Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Cương, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cho hay.

Những "cầu nối" di sản

Bén duyên với Nhã nhạc từ năm 17 tuổi, đến nay Nghệ sĩ Hoàng Tuấn (45 tuổi) đã trở thành một trong những nhạc công giỏi của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế khi có thể chơi hầu hết các loại nhạc cụ của Nhã nhạc. Anh tự hào là "cầu nối" lưu giữ nét đẹp văn hóa của di sản Nhã nhạc. Anh may mắn được sự dìu dắt, truyền dạy trực tiếp từ các cố nghệ nhân Nhã nhạc cung đình Trần Kích, Nguyễn Kế.

Điều tự hào nhất của những nghệ nhân, nghệ sỹ Nhã nhạc cung đình Huế giống như Nghệ sỹ Hoàng Tuấn không phải là được tỏa sáng dưới ánh đèn rực rỡ hay trong những bộ cổ phục đẹp mắt mà là được tạo nên những âm vang Nhã nhạc nghệ thuật truyền thống đến với người nghe. "Tôi luôn thấy mình có trọng trách lớn và đầy tự hào khi hàng ngày được biểu diễn, giới thiệu những bài bản, diễn xướng… đến với mọi người, du khách. Đặc biệt, tôi có lớp nhạc riêng dạy các học viên trẻ về âm nhạc truyền thống để truyền "lửa" đam mê, đưa các bạn trẻ, học sinh đang theo đuổi nghệ thuật đến gần hơn với Nhã nhạc", Nghệ sĩ Hoàng Tuấn bộc bạch.

Để Nhã nhạc cung đình Huế được phục hồi, phát triển mạnh mẽ trong suốt thời gian dài qua không thể không kể đến những đóng góp của các "báu vật nhân văn sống" như cố Nghệ nhân La Cháu (nghệ nhân múa và tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn) hay các nhạc công cung đình Trần Kích, anh em cụ Lữ Hữu Thi, Lữ Hữu Cử. Dù các nghệ nhân đã qua đời nhưng nhiều thế hệ con, cháu của các cụ vẫn tiếp bước, nối dài dòng chảy di sản Nhã nhạc cung đình Huế.

Cố nghệ nhân Lữ Hữu Thi (sinh năm 1910) từng là nhạc công trong Đội Nhã nhạc Cung đình triều Nguyễn, có khả năng trình tấu Nhã nhạc tài ba, chơi được thuần thục các nhạc cụ đàn tam, đàn nhị, đàn tỳ bà, đàn nguyệt, trống, kèn… Ông còn là thành viên ban nhạc Chánh Đại Nội, dưới thời vua Khải Định lúc chỉ mới 16 tuổi. Khi triều Nguyễn cáo chung năm 1945, cụ Thi trở lại với đời thường những vẫn dốc lòng truyền dạy nghệ thuật Nhã nhạc cho lớp con cháu. Con trai cụ là Nghệ nhân Lữ Hữu Minh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Thế hệ thứ 3, 4 trong gia đình cụ Thi đến nay vẫn hoạt động tích cực trong Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế.

Anh Lữ Hữu Quang, cháu nội Nghệ nhân Lữ Hữu Thi cho biết ngoài những tài liệu, cổ vật do cụ Thi đóng góp cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, gia đình anh vẫn đang lưu giữ những kỷ vật của cụ từng sử dụng dưới triều đại nhà Nguyễn. Đó là bộ nhạc cụ Nhã nhạc bao gồm trống, kèn, bộ dây, bộ gõ… Lúc sinh thời, cụ vẫn thường kể cho con, cháu nghe những ký ức khi được đứng trong hàng ngũ Đội Nhã nhạc Cung đình triều Nguyễn và cứ hễ có khách quý đến chơi, cụ lại chiêu đãi khách những bản nhạc, âm sắc da diết của đàn nhị, kèn bóp. Cứ thế, trong gia đình luôn giữ nếp sống gắn bó với Nhã nhạc cung đình.

Thăng hoa âm nhạc truyền thống

Nhã nhạc cung đình không còn đất diễn xướng quy mô, hoành tráng như dưới thời các vua Nguyễn; các nghệ nhân như cụ Lữ Hữu Thi, Trần Kích, La Cháu… nay cũng không còn. Tuy nhiên, lớp nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế vẫn hằng ngày nỗ lực gìn giữ vị thế của loại hình âm nhạc này trong những sinh hoạt lễ hội văn hóa, lễ hội tín ngưỡng tôn giáo ở địa phương đồng thời đưa âm nhạc truyền thống đi xa trên những chuyến lưu diễn quốc tế.

Hai thập kỷ qua, những người làm công tác nghiên cứu tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cố gắng từng bước tìm tư liệu âm nhạc liên quan đến nhã nhạc từ trong đến ngoài nước; tìm gặp các nghệ nhân cao tuổi đã từng tham gia hoạt động loại hình múa hát cung đình để xin ghi chép, đối chiếu, tìm ra độ chân xác trước khi khôi phục một điệu múa hoàn chỉnh…

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Phan Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, đơn vị đang lưu trữ nhiều hồ sơ, sưu tầm, khôi phục các điệu múa cổ, bài nhã nhạc và trích đoạn tuồng cổ; trong đó có nhiều tiết mục được dàn dựng công phu. Là thế hệ tiếp nối, các nghệ sĩ của nhà hát luôn nỗ lực học học, tích lũy kỹ năng cho bản thân để tiếp tục truyền ngón cho lớp đàn em kế cận. Đơn vị cũng được cấp kinh phí đào tạo và tạo điều kiện hết mình cho các học viên theo học Nhã nhạc cung đình được hoạt động, sinh hoạt sau đào tạo.

Chú thích ảnh

 Trình diễn nhã nhạc cung đình tại Lễ dựng nêu trong Hoàng cung Huế vào dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Đặc biệt, ngoài ba đơn vị nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế có phòng nghiên cứu biểu diễn riêng, bao gồm bộ phận nghiên cứu và bộ phận ứng dụng để phác thảo các điệu múa, bài bản kí âm từ chữ nhạc thành nốt nhạc để các nghệ sĩ trẻ học tập. Dựa trên các nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sĩ đưa ra phục vụ, biểu diễn tại các địa điểm diễn xướng.

Từ năm 2004, Nhà hát Duyệt Thị Đường (gần 200 năm tuổi) được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khôi phục trong khuôn viên Đại nội Huế. Từ đây, lớp nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế có sân diễn ổn định để đưa Nhã nhạc vào hoạt động phục vụ khách du lịch. Di sản này đến nay vẫn là sự lựa chọn thưởng thức hàng đầu của du khách mỗi khi đến Huế.

Vào các ngày trong tuần, Nhà hát Duyệt Thị Đường mở cửa đón khách tham quan đến trải nghiệm, chiêm ngưỡng các điệu múa cổ, trích đoạn tuồng cổ dưới không gian trầm mặc, cổ kính của di tích Cố đô. Chị Hoàng Thu Trang, du khách Hà Nội chia sẻ sự hài lòng, thích thú khi được thưởng thức Nhã nhạc trong không gian Nhà hát Duyệt Thị Đường. Qua các làn điệu mang âm hưởng khi rộn ràng, uyển chuyển, lúc da diết, trang trọng, chị được thả hồn vào quá khứ lịch sử, cảm nhận sâu sắc về âm sắc Nhã nhạc và hiểu hơn về cuộc sống con người dưới triều đại nhà Nguyễn.

"Thừa Thiên - Huế đang trở thành một thành phố lễ hội 4 mùa. Do đó, để phục vụ nhu cầu biểu diễn trong các lễ hội địa phương, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế dàn dựng các tiết vừa đảm bảo sự đầu tư quy mô vừa dựa trên nền tảng âm nhạc truyền thống, âm sắc cung đình, không bị lai tạp, hòa tan trong các thể loại âm nhạc hiện đại", Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Hạc chia sẻ.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế  Phan Thanh Hải, tỉnh không chỉ đầu tư môi trường diễn xướng nhiều hơn cho Nhã nhạc mà còn chú trọng đào tạo đội ngũ kế thừa và nâng cao trình độ các nghệ nhân, nghệ sĩ; cần có những cơ chế, chính sách bồi dưỡng các tài năng; tăng cường giao lưu hợp tác để Nhã nhạc được quốc tế biết đến nhiều hơn.

Nhờ công tác bảo tồn hiệu quả mà đến nay, Nhã nhạc cung đình Huế được lưu truyền rộng rãi trong đời sống, nghệ thuật và du lịch. Nhã nhạc cung đình là niềm tự hào của người con xứ Huế cũng như người dân Việt Nam. Những người làm công tác văn hóa, đặc biệt là các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công truyền thống đang lặng thầm và mê say cống hiến để bảo vật vô giá của dân tộc - Nhã nhạc cung đình Huế ngày càng thăng hoa theo thời gian.

Theo Mai Trang (TTXVN) - 18/06/2023

https://baotintuc.vn/van-hoa/nha-nhac-cung-dinh-hue-thang-hoa-cung-thoi-gian-20230618082659567.htm