Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bãi bỏ toàn bộ thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các "chương trình chất lượng cao".
Bãi bỏ là cần thiết
Liên quan đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thông tư số 11/2023/TT-BGDĐT bãi bỏ toàn bộ thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có những lý giải thêm về vấn đề này.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bãi bỏ thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học 2018. Cụ thể như sau:
Khoản 6, điều 65, Luật Giáo dục đại học 2012 quy định: "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao; có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo".
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2018, khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã không còn tồn tại, việc phát triển các loại chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học quy định tại thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT.
Bãi bỏ không có nghĩa là "cấm"
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo có các yêu cầu về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với các chương trình đào tạo do trường cung cấp, cam kết với người học về tuyên bố chất lượng đầu ra của các chương trình đào tạo này, đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các bên liên quan cũng như toàn xã hội.
Như vậy, việc bãi bỏ thông tư 23/2014 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các "chương trình chất lượng cao". Điều này cũng không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình đào tạo khác nhau của các cơ sở giáo dục đại học.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, nhưng dù với tên gọi là gì cũng cần đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về việc đảm bảo chất lượng từ đầu vào, các điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cũng như các quy định khác liên quan đến đào tạo.
Việc xây dựng và thực hiện các "chương trình chất lượng cao" (có yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, về các điều kiện đảm bảo chất lượng…) thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Về học phí, các cơ sở giáo dục đại học xác định và thực hiện theo các quy định của Chính phủ tại nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Theo NGUYÊN BẢO/tuoitre.vn - 17/06/2023
https://tuoitre.vn/tu-1-12-co-so-giao-duc-dai-hoc-tu-chu-xay-dung-chuong-trinh-chat-luong-cao-2023061723031181.htm