Lịch sử chứng minh, sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta có sự đóng góp quan trọng của quân và dân tỉnh Vĩnh Phúc. Vùng đất án ngữ tuyến phòng thủ trong thế trận của Quân khu 2 và cả nước, còn đậm ghi những địa danh lịch sử từ thời Hai Bà Trưng dựng Cờ khởi nghĩa. Truyền thống giàu lòng yêu nước ấy đã được lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh truyền cho nhau trong suốt chặng đường 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, khẳng định rõ là lực lượng tin cậy của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh.
Vĩnh Phúc - vùng đất địa linh nhân kiệt, Nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc có truyền thống cần cù trong lao động, anh dũng bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Từ ngày có Đảng, quân và dân Vĩnh Phúc trong đó đi đầu là LLVT luôn có những đóng góp to lớn trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Vĩnh Phúc vượt qua khó khăn, luôn ổn định về chính trị, phát triển kinh tế ngày càng giàu mạnh, phồn vinh. Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh, chúng ta càng tự hào bởi những đóng góp, những chiến công to lớn của LLVT tỉnh, tô thắm, viết lên những trang sử vàng, chói lọi của dân tộc.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, tháng 2 năm 1950, hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phúc. Ngay sau khi ra đời, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Tỉnh đã chủ trương xây dựng, phát triển LLVT làm nòng cốt cho kháng chiến kiến quốc. Tiểu đoàn bộ đội địa phương mang phiên hiệu Tiểu đoàn 64 được thành lập, trên cơ sở nòng cốt của 3 đại đội (460, 468, 480) thuộc bộ đội địa phương Vĩnh Yên, Phúc Yên. Ngược dòng lịch sử, về với mảnh đất cội nguồn của LLVT, thôn Song Vân - xã Nguyễn Huệ (nay là xã Vân Trục) - huyện Lập Thạch là nơi ra mắt của Tiểu đoàn 64. Hôm nay, trên quê hương cách mạng này, đã có nhiều khởi sắc cùng với sự phát triển của quê hương đất nước. Ngay sau khi ra đời, Tiểu đoàn tổ chức đánh địch tại đồn Sơn Kiệu (thuộc xã Chấn Hưng - huyện Vĩnh Tường). Bằng lối đánh “Công kiên”, Tiểu đoàn 64 đã tiêu diệt hoàn toàn đồn Sơn Kiệu vào đêm 13/6/1950. Chiến công đầu tiên của tiểu đoàn 64 làm cho Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Phúc phấn khởi tự hào, tin tưởng vào LLVT địa phương, Với chiến thắng trận đầu đồn Sơn Kiệu, Ngày 13/6/1950 chính thức trở thành “Ngày truyền thống của LLVT Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc”.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Vĩnh Phúc động viên trên 4,2 vạn người đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, huy động hàng ngàn tấn lương thực thực phẩm, phương tiện vận tải, được Hồ Chủ Tịch tặng cờ thi đua, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên - Chấn động địa cầu. Thực dân pháp vừa cuốn gói trở về nước, hiệp định Giơ - Ne -Vơ chưa ráo mực, thì đế quốc Mỹ lại xâm lược nước ta. Máu lửa càng nhiều, lòng căm thù càng lớn. Quân và dân Vĩnh Phúc sát cánh cùng cả nước đã giương cao ngọn cờ “ Quyết chiến - quyết thắng” mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho. Từ năm 1965 đến 1975, gần 12 vạn thanh niên Vĩnh Phúc lên đường với quyết tâm và ý chí “Sẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, gần 4.000 người đi thanh niên xung phong, có mặt trên khắp các chiến trường, chiến đấu dũng cảm và lập nhiều chiến công xuất sắc. Ở hậu phương, Nhân dân và LLVT Vĩnh Phúc “Tay cày tay súng, tay búa, tay súng”, hăng hái thi đua lao động sản xuất, vừa sản xuất xây dựng hậu phương vững mạnh và chi viện cho tiền tuyến, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu lương thực, thực phẩm cho chiến trường.
Từ khi tái lập tỉnh năm 1997, thực hiện Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng bộ Quân khu 2 và của tỉnh; Đảng bộ Quân sự tỉnh đã quán triệt nghiêm túc đường lối nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và quan điểm xây dựng LLVT; kịp thời tham mưu với Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh tăng cường các tiềm lực quốc phòng trong khu vực phòng thủ tỉnh. Thực hiện tốt quan điểm của Đảng về kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; xây dựng các công trình phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh Nhân dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc.
Trong mọi hoàn cảnh ở thời chiến hay thời bình, Đảng bộ quân sự tỉnh Vĩnh Phúc luôn thể hiện rõ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, luôn có sự vận dụng phù hợp với thực tiễn từng thời kỳ cách mạng, luôn quán triệt sâu sắc đường lối cách mạng, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, đề ra được những chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, làm thất bại âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Luôn coi trọng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, nắm vững định hướng lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, không ngừng tăng cường bản chất giai cấp công nhân, quyết tâm chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, bảo đảm cho LLVT tỉnh luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu, tin cậy, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Nâng cao chất lượng huấn luyện phải bắt đầu từ trong tư duy và hành động. Từ cơ quan Bộ chỉ huy đến các đơn vị cơ sở, hàng năm đều triển khai toàn diện, đồng bộ các mặt bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện; làm tốt mọi công tác chuẩn bị, từ khâu xây dựng kế hoạch, tiến trình biểu; giáo án bài giảng, thao trường, bãi tập và đồ dùng huấn luyện. Kiên quyết khắc phục và tạo bước đột phá giải quyết những khâu yếu, mặt yếu trong huấn luyện. Chú trọng công tác tập huấn bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp. Tổ chức huấn luyện cho các đối tượng bảo đảm chặt chẽ, đúng, đủ nội dung, tiến độ thời gian đạt hiệu quả. Quá trình huấn luyện luôn bám sát phương châm, phương hướng, nhiệm vụ huấn luyện; nắm và vận dụng tốt các quan điểm, nguyên tắc và mối kết hợp vào trong huấn luyện; duy trì và thực hiện có nề nếp các chế độ huấn luyện theo quy định. Và phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, sát thực tế và các phương án chiến đấu, phù hợp với trang bị vũ khí và cách đánh truyền thống, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, kết hợp huấn luyện với rèn luyện kỷ luật.
73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, ở mỗi thời điểm lịch sử, LLVT tỉnh Vĩnh Phúc cùng Nhân dân luôn phát huy truyền thống quê hương có vị trí chiến lược quan trọng. Đặc biệt, ghi sâu lời Bác Hồ căn dặn: khi Người về thăm: phải “làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” và Đảng bộ Vĩnh Phúc "trở thành một trong những Đảng bộ khá nhất miền Bắc”; ở mỗi thời điểm lịch sử, LLVT tỉnh Vĩnh Phúc luôn vững vàng niềm tin sắt son với Đảng, với Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng và giành nhiều thành tích chiến công vẻ vang, góp phần tô thắm lịch sử truyền thống tỉnh Vĩnh Phúc anh hùng./.
Lê Dũng