Sáng 3/7, Kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp thường lệ đầu tiên thực hiện theo Nội quy kỳ họp mới khoá XVI đã được HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2022.
Sáng nay (3/7), HĐND Thành phố Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 12 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 để xem xét, quyết định những kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính ngân sách, đầu tư công 6 tháng đầu năm và các giải pháp quan trọng 6 tháng cuối năm 2023 của Thành phố; xem xét, quyết định các cơ chế, chính sách để đảm bảo an sinh xã hội, phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu tại phiên khai mạc.
Chủ tịch Quốc hội dự khai mạc Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khóa 16
HĐND đã ban hành 110 nghị quyết, trong đó có 41 nghị quyết quy phạm pháp luật
Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cáo kết quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, trong đó, HĐND thành phố và các cấp tham gia tích cực, rất có trách nhiệm vào thành công rất tốt đẹp của cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND đã ban hành 110 nghị quyết, trong đó có 41 nghị quyết quy phạm pháp luật. Điểm nổi bật của nhiệm kỳ này là Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND thành phố đã đề xuất Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội ban hành và triển khai thực hiện Đề án số 15 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.
Khai mạc Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khóa 16
HĐND thành phố đã tích cực phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố để triển khai hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về phía Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng luôn quan tâm, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng.
Hà Nội cần khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị quyết của Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian tới, Thành phố Hà Nội không thể chủ quan, thỏa mãn và cũng còn rất nhiều việc phải làm, phải có những bước đi, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá, tạo chuyển biến căn bản và kết quả cao hơn nữa không chỉ so với bình quân chung quốc gia, mà phải so sánh với các địa phương khác đang dẫn đầu cả nước và đặc biệt phải có tư duy cạnh tranh quốc tế trong thời gian tới.
"Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân để Thành phố thực sự là “điểm sáng”, “hình mẫu” trong tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố cả nước; chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu lực của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban, Tổ, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố và các cấp trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, bảo đảm thực hiện kịp thời các quy định và quyết định của cơ quan Nhà nước cấp trên và của từng địa phương; giám sát việc thi hành pháp luật, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thành phố và cấp dưới theo đúng quy định của pháp luật"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phấn đấu tạo chuyển biến rõ rệt và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, từ đó làm tốt nhiệm vụ kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở địa phương. Đồng thời, để các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố thông qua tại Kỳ họp này sớm đi vào cuộc sống, tổ chức hội nghị hoặc hình thức phù hợp và đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của HĐND.
Bên cạnh đó, cần sơ kết, tổng kết rút ra các bài học kinh nghiệm, phát huy kết quả, thành tích đạt được trong nửa nhiệm kỳ để nhân rộng và có giải pháp khắc phục hiệu quả các tồn tại, hạn chế; bám sát các yêu cầu thực tiễn xây dựng và phát triển Thủ đô.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, với thực tiễn hết sức sinh động, phong phú của Thủ đô, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội hoàn thành trọng trách của mình trong công tác xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khóa 16
Thành phố Hà Nội nói chung, HĐND thành phố Hà Nội nói riêng cần có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, hiệu quả trong việc thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV để hoàn thành cao nhất, vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và kế hoạch công tác năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc đã được chỉ rõ, tiếp tục hoàn thiện thể chế để kiến tạo phát triển Thủ đô, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng của Thành phố như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; Xây dựng hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị (Nhổn – Ga Hà Nội; Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo); Đề án về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030; Tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, đây là đặc sản của Hà Nội. Nhìn rộng ra là cả văn hóa, thể thao; tiếp tục đẩy mạnh cơ sợ hạ tầng, kinh tế xã hội khu vực nông thôn, vùng còn nhiều khó khăn, với mục tiêu phát triển Thủ đô đồng đều, toàn diện và bền vững nhất là về đầu tư phát triển kết cấu hạ rầng, tạo sinh kế cho người dân.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khóa 16
Hà Nội cần khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị quyết của Quốc hội; tập trung triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt và vẫn còn có hiệu lực, nhất là sớm hiện thực hóa các quy hoạch các phân khu sông Hồng, sông Đuống để thay đổi căn bản diện mạo Thủ đô, tạo động lực đột phá phát triển Thủ đô.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính công chức, công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế kịp thời các cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu… Trên cơ cở đó, tổ chức thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn, bảo đảm việc lấy phiếu tín nhiệm duy nhất trong nhiệm kỳ nghiêm túc, không hình thức và đánh giá đúng về uy tín, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ; tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch đại biểu chuyên trách nhằm xây dựng đội ngũ đại biểu kế cận thật sự coi trọng chất lượng với cơ cấu phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nội, tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội: Nghị quyết số 97 của Quốc hội về “thí điểm mô hình chính quyền đô thị”; Nghị quyết số 115 về “thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân hàng đặc thù đối với Thành phố Hà Nội”; Nghị quyết số 160 về “thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Thành phố cũng cần tập trung quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Trung ương để sớm hoàn thiện hồ sơ Luật Thủ đô (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Dự kiến kỳ họp của HĐND TP Hà Nội diễn ra trong 4 ngày để xem xét, thông qua 43 nội dung, gồm 21 báo cáo và 22 Nghị quyết. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng và cũng là kỳ thường lệ đầu tiên thực hiện theo Nội quy kỳ họp mới khoá 16 đã được HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2022.
Theo Lê Tuyết/VOV - 03/07/2023
https://vov.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-du-khai-mac-ky-hop-thu-12-hdnd-tp-ha-noi-khoa-xvi-post1030201.vov