Cập nhật: 07/07/2023 07:22:00
Xem cỡ chữ

Nhịp tim nhanh có thể là bình thường và không gây hại trong thời kỳ mang thai. Nhưng cũng có khả năng mẹ bầu sẽ mắc một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng.

1. Nhịp tim nhanh khi mang thai

Khi mang thai, lượng máu ba tháng đầu thai kỳ trong cơ thể mẹ bầu tăng lên khiến nhịp tim nhanh hơn bình thường, tăng từ 15-20 nhịp mỗi phút. 

Tim đập nhanh giúp lượng máu trong cơ thể người mẹ tuần hoàn liên tục và đáp ứng đủ điều kiện cung cấp lượng máu cần thiết để nuôi dưỡng thai nhi từ bên trong giúp thai tăng trưởng và phát triển. Khi thai nhi càng lớn, lượng máu mà cơ thể cần có thể sẽ cao hơn nhiều so với lúc vừa mang thai.

Trong tam cá nguyệt thứ hai, các mạch máu trong cơ thể mẹ bầu bắt đầu giãn ra hoặc to hơn để thích nghi với việc lưu lượng máu tăng lên và để đảm bảo huyết áp vẫn bình thường dù tim đập nhanh. Điều này làm cho huyết áp giảm nhẹ. Trong tháng thứ tư thai kỳ, tim sẽ bơm máu nhiều hơn từ 30 đến 50% so với bình thường.

Vào thời điểm mẹ bầu bước vào tam cá nguyệt thứ ba, tim hoạt động mạnh nhất khoảng 20% máu của cơ thể sẽ dồn về phía tử cung. Bởi vì lượng máu trong cơ thể tăng nên tim phải bơm nhanh hơn để di chuyển lượng máu này. Nhịp tim mẹ bầu sẽ lại tiếp tục tăng thêm 10 - 20 nhịp mỗi phút để đảm bảo thai nhi nhận được đầy đủ oxy, chất dinh dưỡng cần thiết và để chuẩn bị cho việc chuyển dạ. Mẹ bầu có thể cảm nhận được mỗi khi nhịp tim đập nhanh như: cảm giác hồi hộp, hơi khó thở và cảm thấy không thoải mái.

2. Các triệu chứng và nguyên nhân của nhịp tim nhanh khi mang thai

Mẹ bầu có nên lo lắng khi nhịp tim nhanh? - Ảnh 2.

Nhịp tim nhanh hơn bình thường khi phụ nữ mang thai.

Phụ nữ mang thai sẽ có tim đập nhanh khác nhau, có thể cảm thấy lâng lâng hoặc khó chịu, giống như tim đang đập rất mạnh. Bất kể triệu chứng là gì, có một số nguyên nhân tiềm ẩn khác nhau khiến tim đập nhanh khi bạn mang thai như:

  • Lo lắng hoặc căng thẳng

  • Tăng thể tích máu

  • Ăn hoặc đồ uống có chứa caffein

  • Thuốc trị cảm lạnh và dị ứng có chứa pseudoephedrine

  • Rối loạn tim tiềm ẩn, chẳng hạn như tăng huyết áp phổi hoặc bệnh động mạch vành

  • Tổn thương tim từ lần mang thai trước

  • Bệnh tuyến giáp

Đôi khi rất khó nhận ra một chứng rối loạn tim tiềm ẩn trong thời kỳ mang thai. Đó là bởi vì các triệu chứng rối loạn tim có thể giống với các triệu chứng mang thai, chẳng hạn như mệt mỏi, khó thở và sưng tấy.

3. Khi nào nên gọi cho bác sĩ?

 

Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu sẽ có lịch hẹn khám định kỳ. Tuy nhiên cần đi khám ngay lập tức nếu nhận thấy các triệu chứng trầm trọng hơn, cảm thấy tim đập nhanh liên hồi với tần suất thường xuyên và liên tục, tăng dần theo từng ngày đau tức ngực và đi kèm với hiện tượng thở khó khăn, đau ngực, ho nhiều, ho ra máu, hẫng tim, tím tái hoặc cảm thấy yếu dần đi sau khi thấy tim đập nhanh...

Ngoài ra, mẹ bầu còn cảm thấy khó ăn, khó thở do bị rối loạn nhịp tim, mạch đập không ổn định. Đặc biệt, mẹ có dấu hiệu ra nhiều mồ hôi thường xuyên, cảm giác nóng bức và mệt ngay cả khi ngồi, khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, khi nằm hoặc khó thở vào ban đêm.

4. Chẩn đoán nhịp tim nhanh khi mang thai

Bác sĩ sẽ bắt đầu chẩn đoán tim đập nhanh bằng cách hỏi tiền sử bệnh. Nếu trước đây mẹ bầu đã từng bị đánh trống ngực, mắc các bệnh tim đã biết khác hoặc có người trong gia đình mắc các vấn đề về tim cần thông báo cho bác sĩ biết. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm:

  • Một trong những xét nghiệm phổ biến để chẩn đoán nguyên nhân khiến tim đập nhanh là đo điện tâm đồ.

  • Cho đeo máy theo dõi Holter, theo dõi nhịp tim trong khoảng thời gian từ 24 đến 48 giờ

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra các tình trạng cơ bản, như mất cân bằng điện giải hoặc suy giảm chức năng tuyến giáp

5. Điều trị nhịp tim nhanh khi mang thai

Mẹ bầu có nên lo lắng khi nhịp tim nhanh? - Ảnh 4.

Nếu tình trạng nhịp tim nhanh, xảy ra thường xuyên, liên tục, khó thở hoặc chóng mặt, cần đi khám ngay lập tức.

Nếu mẹ bầu bị "đánh trống ngực" không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và không có kết quả của bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể sẽ không đề xuất bất kỳ phương pháp điều trị nào. Thông thường, chứng đánh trống ngực sẽ biến mất sau khi sinh con và cơ thể trở lại trạng thái bình thường như trước khi mang thai. Đây chỉ là sự thay đổi sinh lý cơ thể trong quá trình mang thai, mẹ bầu không nên căng thẳng hay lo lắng mà cần phải giữ cho tinh thần lạc quan, vui vẻ.

Nhưng đối với những phụ nữ đang mắc bệnh tim mạch, chức năng tim vốn đã không tốt, thì sự thay đổi nhịp tim trong khoảng thời gian này có thể sẽ trở nên nguy hiểm, nhiều khả năng xảy ra hiện tượng suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.

Bác sĩ sẽ xem xét những nguy cơ tiềm ẩn đối cả mẹ và thai nhi khi cho dùng thuốc điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ tránh sử dụng thuốc với mẹ bầu trong ba tháng đầu tiên, vì đây là lúc các cơ quan của thai nhi đang phát triển.

Tim đập nhanh khi mang thai không nghiêm trọng mà là kết quả tự nhiên của việc tăng lưu lượng máu trong cơ thể mẹ bầu. Nhưng nếu tình trạng tim đập nhanh, xảy ra thường xuyên, liên tục, khó thở hoặc chóng mặt, cần đi khám và cho bác sĩ biết.

Tình trạng sức khỏe nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm. Do đó để giảm nguy cơ tim đập nhanh, mẹ bầu hãy uống đủ nước, tránh caffein và không bao giờ uống rượu khi mang thai. Ăn các thức ăn ít béo, bổ sung một lượng protein cần thiết cho cơ thể như trứng, cá, thịt gà, thịt lợn, đậu. Thực hành các bài tập thở sâu để làm dịu tâm trí và thư giãn cơ thể. Mẹ bầu nên vận động nhẹ nhàng, không làm việc quá sức, khi cảm thấy mệt do tim đập nhanh và khó thở cần dừng lại.

Theo BS. Nguyễn Tuấn Anh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương/suckhoedoisong.vn - 06/07/2023

  https://suckhoedoisong.vn/me-bau-co-nen-lo-lang-khi-nhip-tim-nhanh-169230704185614389.htm