Cập nhật: 12/07/2023 14:40:00
Xem cỡ chữ

Nhiều quyết định quan trọng đã được các nhà lãnh đạo NATO đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Litva như: thông qua kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh; dành ít nhất 2% GPD (GDP) cho chi tiêu quân sự; hay những quyết sách hỗ trợ lâu dài cho Ukraine, đồng thời “rút ngắn” con đường để Kiev trở thành thành viên.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Vilnius của Litva, các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định đưa Ukraine đến gần hơn với NATO.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Chúng tôi đã tái khẳng định rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO và đồng ý loại bỏ yêu cầu về kế hoạch hành động trở thành thành viên. Điều này sẽ thay đổi lộ trình trở thành thành viên của Ukraine từ quy trình hai bước thành quy trình một bước. Chúng tôi cũng nói rõ rằng chúng tôi sẽ đưa ra một lời mời Ukraine gia nhập NATO khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng. Một con đường rõ ràng đã được vạch ra hướng tới tư cách thành viên của Ukraine trong NATO”.

nato dua ra quyet sach nga canh bao chien tranh the gioi thu iii hinh anh 1

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva.

Các nước NATO cũng đã thông qua chương trình hỗ trợ quân sự dài hạn cho Ukraine và đồng ý thành lập Hội đồng NATO – Ukraine. Tại Litva,

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo Paris sẽ cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev. Trong khi đó, Đức đã công bố gói viện trợ mới trị giá 770 triệu USD, bao gồm 2 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cùng nhiều xe tăng và phương tiện chiến đấu khác.

Ngoài vấn đề Ukraine, lãnh đạo các nước NATO cũng đã thông qua các kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh để ngăn chặn các mối đe dọa, trong tất cả lĩnh vực từ không gian, mạng, trên bộ, trên biển và trên không. Theo đó, một lực lượng mới gồm 300.000 binh sĩ luôn ở trạng thái sẵn sàng cao, có thể được triển khai trên không và hải quân.

Bên cạnh đó, các nước NATO đưa ra cam kết sẽ dành ít nhất 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quân sự trong tương lai; phê duyệt Kế hoạch hành động sản xuất quốc phòng mới để đẩy nhanh việc mua sắm chung, tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao khả năng tương tác của các thành viên NATO.

Lãnh đạo các nước NATO cũng chúc mừng sự tham gia lần đầu của Tổng thống Phần Lan tại cuộc họp, hào hứng việc Thụy Điển sắp gia nhập liên minh. Nhiều nhà lãnh đạo NATO đã đề xuất thành lập các căn cứ thường trực giáp Nga và hủy bỏ một thỏa thuận giữa Nga và NATO từ năm 1997 - trong đó nêu rõ không triển khai vũ khí hạt nhân và các lực lượng chiến đấu đáng kể thường trực trên lãnh thổ của các nước thành viên mới của liên minh. 

Điều này khiến Nga phản ứng khá gay gắt. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, phương Tây đang sai lầm khi chưa hiểu những nguy cơ từ quyết định di chuyển cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đến gần biên giới với Nga. Bởi đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xung đột hiện nay. 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhắc tới những biện pháp đáp trả: “Phần Lan và Thụy Điển đã thảo luận với Mỹ các vấn đề liên quan đến việc triển khai cơ sở hạ tầng liên minh ngay gần biên giới Nga. Tôi xin đảm bảo với các bạn rằng tất cả các lợi ích an ninh hợp pháp của Liên bang Nga sẽ được bảo vệ và chúng tôi biết những biện pháp nào cần thực hiện và áp dụng thực tế”.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, việc phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine “không thể dẫn tới điều gì khác ngoài ngõ cụt và thế chiến 3 đang đến gần”.

Là một quốc gia có tiếng nói khá ôn hòa trong NATO, Thủ tướng Hungary Viktor Orban kêu gọi NATO thúc đẩy ngừng bắn và đàm phán hòa bình ở Ukraine thay vì tiếp tục chuyển vũ khí cho quốc gia này./.

Theo Đình Nam/VOV1 - 12/07/2023

Tổng hợp

https://vov.vn/the-gioi/nato-dua-ra-quyet-sach-nga-canh-bao-chien-tranh-the-gioi-thu-iii-post1032098.vov