Cập nhật: 03/05/2023 10:15:00
Xem cỡ chữ

Theo thống kê, tính đến tháng 2 năm 2022, Việt Nam có 76.95 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 78.1% dân số, trong đó người dùng Facebook là 70.4 triệu người. Con số này vẫn tiếp tục tăng đến thời điểm hiện tại. Với tốc độ truyền tải nhanh và lớn mạnh của mạng xã hội, cùng với những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, người dân, thậm chí nếu nhà báo lơ là cũng sẽ bị cuốn vào “vòng xoáy” của chúng.

Cuộc chiến" trên không gian mạng

Có thể nói, trên mạng xã hội không có thông tin nào là không có, thông tin được cập nhật từng phút, từng giây mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng lại rất khó kiểm soát, kiểm chứng. Có những thông tin chủ đích của đối tượng phản động; có thông tin đưa chưa đầy đủ gây hiểu nhầm, có những thông tin do trình độ người đưa chưa được cao; có những thông tin đưa vội, chưa kiểm soát kỹ... Tất cả những thông tin đó gây “nhiễu sóng”, làm một bộ phận người dân lệch lạc trong nhận thức.

Nguồn ảnh Internet.

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị đang lợi dụng sự phát triển bùng nổ của công nghệ và internet để hoạt động chống phá sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước ta. Thứ nhất là xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thứ hai là hạ thấp, phủ nhận thành tựu, thổi phồng những khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội của nước ta; thứ ba là lợi dụng các sự kiện chính trị, lịch sử, truyền thống cách mạng, vụ việc phức tạp, nhạy cảm để gia tăng hoạt động chống phá; thứ tư là triệt để sử dụng lực lượng cơ hội, phản động trong tôn giáo, tín ngưỡng, mượn danh dân chủ, núp bóng nhân quyền nhằm gây bất ổn về chính trị, an ninh, an toàn xã hội…

Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng mạng xã hội, lập ra hàng ngàn kênh truyền thông, trong đó có những kênh thu hút hàng trăm ngàn lượt đăng ký, lượt theo dõi để tuyên truyền, reo rắc tư tưởng độc hại, phá hoại niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước.

Mục đích chống phá của các thế lực thù địch không mới, nhưng thủ đoạn thì ngày càng tinh vi, xảo trá hơn. Chúng tính toán kỹ thời điểm tung tin, đồng thời xâu chuỗi các sự kiện, tạo vỏ bọc lừa bịp, suy diễn, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoài nghi, hoang mang trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trước những thủ đoạn thâm độc của thế lực phản động, các tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cần chủ động tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy rõ tính chất nguy hiểm của những thông tin sai trái, thù địch; qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên vào người dân trong việc tiếp nhận thông tin để tránh bị lợi dụng tiếp tay cho kẻ xấu.

Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo nhận diện các thông tin sai trái, phản động; không phát tán thông tin mà kịp thời phản ánh với những người có trách nhiệm, đồng thời chủ động đấu tranh, phản bác làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch.

Hiện nay, internet và mạng xã hội ở Việt Nam đã trở thành công cụ vô cùng quen thuộc, là một phần tất yếu trong cuộc sống của đông đảo người dân. Tuy nhiên, khi sử dụng internet và tham gia mạng xã hội, một số người nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, nên nghĩ rằng tự do internet, tự do mạng xã hội là vô hại.

Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch đã tung lên mạng tin giả, tin xuyên tạc, bịa đặt để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đối phó với nạn tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng, một mặt cần tuyên truyền, giáo dục để mọi người, nhất là người tham gia mạng xã hội thấy rõ tính chất nguy hại của vấn đề, từ đó nâng cao trách nhiệm, tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin, tránh bị lợi dụng tiếp tay cho kẻ xấu, đồng thời tích cực đấu tranh với vấn nạn tin giả.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với những người vi phạm các quy định trên không gian mạng, đăng phát các thông tin thất thiệt, lừa đảo, xuyên tạc, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân... để ngăn ngừa, răn đe những kẻ lợi dụng không gian mạng chống phá cách mạng, làm tổn hại lợi ích của quốc gia, dân tộc và người dân.

Công cuộc xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ của đất nước vẫn phải đối mặt với sự chống phá của các thế lực thù địch kéo dài, dai dẳng và ngày càng tinh vi, thâm độc. Vì vậy, giải pháp ngăn chặn tối ưu và có hiệu quả nhất là tạo được “sức đề kháng”, “tự miễn nhiễm” trước tác động tiêu cực của những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.

Theo đó, chúng ta cần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên; chủ động thông tin kịp thời, đúng đắn, chính xác về tình hình mọi mặt của đất nước, địa phương; không để bị động trước những thông tin giả, tin đồn thất thiệt lan truyền tràn lan trong xã hội rồi mới tìm cách khắc phục.

Trách nhiệm lớn lao của những người làm báo

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước báo chí đã tạo ra một khí thế sôi nổi, lan tỏa và tạo động lực cho toàn xã hội trong việc tham gia vào các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, trong đó có việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Báo chí tích cực phổ biến tư tưởng, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tuyên truyền hiệu quả các quyết sách lớn về chính trị - kinh tế của đất nước; nhận diện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; những quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị; phê phán việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, vấn đề chủ quyền biển đảo… để kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Công tác thông tin, tuyên truyền trên các cơ quan báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở cả Trung ương và địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Báo chí Trung ương với thế mạnh về nền tảng lý luận, tích cực thông tin sâu sắc mảng nội dung nghiên cứu chính trị, tuyên truyền rộng rãi về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Nhiều tờ báo đã tập hợp các nhà khoa học, nhà lý luận, hoạt động thực tiễn có uy tín viết bài trực diện đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với những tuyến bài có chất lượng cao, tạo hiệu ứng xã hội tốt, từ đó định hướng chính trị, tư tưởng và nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về các vấn đề “nóng”, phản bác các thông tin xấu độc, các luận điệu xuyên tạc, vu khống, định hướng đúng đắn dư luận xã hội.

Báo chí các địa phương với đặc trưng khác biệt về địa lý, dân cư, văn hóa vùng miền đã có những phương pháp, cách làm riêng trong đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng chống phá, thù địch, nhất là vấn đề về dân tộc, dân chủ, nhân quyền. Nhiều kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh với các thế lực phản động đã được các cơ quan báo chí áp dụng sáng tạo, phát huy hiệu quả.

Với lợi thế thông thạo và bám sát địa bàn, báo chí địa phương đã nhanh chóng phát hiện vấn đề, kịp thời phản ánh, đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn các quan điểm sai trái, phản bác các thế lực thù địch, góp phần tạo sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Phóng viên phỏng vấn đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh: Văn Hưng).

Người làm báo cần nắm vững con đường, chọn đúng phương hướng, tạo ra những tác phẩm báo chí xuất sắc, phục vụ nhiệm vụ chính trị, góp phần vào định hướng xã hội, định hướng dư luận nhân dân. Nhận thức rõ mỗi một tổ chức, một nhóm đối tượng đều có định hướng có lợi cho cá nhân, tổ chức mình nhưng với Đảng Cộng sản Việt Nam mọi con đường xây dựng, phát triển đều hướng tới vì nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân lên hàng đầu.

Mọi đường lối, chủ trương, chính sách, mọi cuộc đấu tranh đều vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Khi các đối tượng phản động chống phá Đảng, Nhà nước ta, là một đảng viên, một nhà báo cần tuyên truyền, định hướng dư luận để người dân có nhận thức đúng đắn, đấu tranh, phản bác không khoan nhượng trước những thông tin “xấu độc” do các thế lực phản động chống phá như hiện nay.

Để hoàn thành trách nhiệm lớn lao của người làm báo, mỗi nhà báo cần nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Mỗi người làm báo phải xác định bản lĩnh chính trị, kiên định vững vàng tuyệt đối tin tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Lập trường chính trị tư tưởng vững chắc là tiêu chuẩn và là yêu cầu hàng đầu đối với mỗi người làm báo như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “… nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”.

Vững vàng trước “báo tố” không phải việc “một sớm, một chiều”, của riêng một tổ chức hay cá nhân nào mà cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân để đồng lòng bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng nên một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường./.

Văn Hưng