“Tăng cường xuất khẩu gạo là thời cơ trong bối cảnh hiện nay và sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu” đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 1/8, tại Hà Nội.
Thông tin tại cuộc họp cho thấy, xuất khẩu nông lâm, thủy sản đang có dấu hiệu phục hồi, tiêu thụ nông sản khởi sắc; Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục được xác định là 3 thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 7 kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản qua 7 tháng ước đạt 29,13 tỷ USD; xuất siêu toàn ngành qua 7 tháng đạt 5,88 tỷ USD, tăng 3,4%. Trong đó, các nhóm ngành hàng có mức tăng trưởng cao có rau quả, gạo, hạt điều và cà phê…
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, trong bối cảnh một số nước đang tạm dừng xuất khẩu gạo thì việc xuất khẩu gạo là cơ hội của doanh nghiệp và nông dân. Trong thời gian qua, Cục Trồng trọt phối hợp với một số đơn vị đi kiểm tra tình hình tại vùng sản xuất lúa trọng điểm, đến thời điểm này có thể khẳng định sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt. Mục tiêu sản lượng hơn 43 triệu tấn trong năm nay hoàn toàn có thể đạt được. Về nguồn cung lúa gạo không ảnh hưởng nhiều, hoàn toàn đảm bảo an ninh lương thực, nhu cầu tiêu dùng cũng như xuất khẩu.
Trong bối cảnh một số nước đang tạm dừng xuất khẩu gạo thì việc xuất khẩu gạo là cơ hội của doanh nghiệp và nông dân (Ảnh minh họa: KT)
Tranh thủ thời cơ, đã bố trí nâng diện tích vụ Thu đông của Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 ha lên 700.000 ha. Năm 2022, sản lượng thu hoạch 42,7 triệu tấn, xuất khẩu 7,13 triệu tấn gạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ về việc tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. Năm nay, sản lượng ước khoảng 43,1 triệu đến 43,2 triệu tấn, có thể xuất khẩu vượt kỷ lục của năm ngoái. Vấn đề giá cả sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng nhưng với lượng dự trữ quốc gia hiện nay sẽ không ảnh hưởng.
Lưu ý trong chỉ đạo sản xuất những tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, ngoài đảm bảo nguồn hàng ổn định và chất lượng ngành sẽ thúc đẩy phát triển thị trường, tập trung xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Liên minh kinh tế Á - Âu... Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do song phương thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới từ nay đến cuối năm.
“Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã có bước chuyển biến ngay từ đầu quý 3. Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào các giải pháp và có điều chỉnh, điều hành linh hoạt trong xúc tiến thương mại cũng như giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của năm nay cũng như các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Nông nghiệp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Theo Minh Long/VOV1 - 02/08/2023
https://vov.vn/kinh-te/tang-cuong-xuat-khau-gao-khong-anh-huong-den-nguon-cung-tieu-dung-va-xuat-khau-post1036515.vov