Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đang phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Huế khảo cổ di tích điện Cần Chánh trong khuôn viên Đại Nội Huế. Đây là cơ sở nghiên cứu, xây dựng phương án tu bổ, phục hồi công trình di tích trăm năm tuổi này.
Hơn một tháng qua, các chuyên gia tiến hành đào nhiều hố để khảo cổ di tích Điện Cần Chánh trên tổng diện tích hơn 200m2. Tại hiện trường, lực lượng đào khảo cổ thu thập được nhiều mảnh sành sứ, gạch vồ… Các hố đào xuất lộ nhiều dấu tích nền móng của di tích điện Cần Chánh.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục tổng hợp các hình ảnh, tư liệu liên quan điện Cần Chánh từ nhiều nguồn lưu trữ, trong đó có những bức ảnh tư liệu do người Pháp đã chụp lại trước khi công trình bị phá huỷ. Các chuyên gia đang chỉnh lý, nghiên cứu và dự kiến cuối tháng 8 sẽ công bố những kết quả khảo cổ ban đầu.
Mặt trước điện Cần Chánh trước khi bị phá hủy (Ảnh tư liệu)
Thăm dò nền móng điện Cần Chánh
Phần nền móng còn sót lại
Khuôn viên khu vực điện Cần Chánh
Điện Cần Chánh, Đại Nội Huế được xây dựng cách đây gần 220 năm, dưới thời vua Gia Long thứ 3 (1804). Ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm thành, chính điện gồm 5 gian và 2 chái kép, tiền điện có 7 gian và 2 chái đơn… Đây là một trong những công trình chính và quan trọng nhất bên trong Hoàng thành Huế, là nơi vua Triều Nguyễn thiết triều, tiếp sứ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình… Điện được tu sửa vào các năm 1827, 1850, 1899. Vua Khải Định cho sơn thếp mới vào đầu thế kỷ XX. Năm 1947, chiến tranh đã phá hủy hoàn toàn di tích này, chỉ còn lại phần nền móng.
Theo Vinh Thông- Lê Hiếu/VOV-Miền Trung - 02/08/2023
https://vov.vn/van-hoa/di-san/khao-co-di-tich-dien-can-chanh-dai-noi-hue-post1036677.vov