Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, huyện Đại Từ lập Đề án phát triển du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí dự kiến hơn 260 tỷ đồng.
Đồi chè xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, tỉnh Thái Nguyên, đang trở thành điểm tham quan hấp dẫn của du khách. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Huyện Đại Từ thuộc tỉnh Thái Nguyên có 10 xã nằm ven chân dãy núi Tam Đảo, là nơi có khí hậu trong lành, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng, có bản sắc dân tộc đậm đà.
Đặc biệt, Đại Từ còn là địa phương có vùng chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với nghề sản xuất, chế biến chè đặc sản từ lâu đời, các sản phẩm chè ngon nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đại Từ là An toàn khu cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp với 169 điểm di tích lịch sử và danh thắng...
La Bằng và Hoàng Nông là hai xã nổi bật hơn trong số các xã có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, văn hóa, tâm linh của huyện.
Ông Dương Văn Vượng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã La Bằng, cho biết xã nằm ở phía Tây-Tây Nam, cách trung tâm huyện khoảng 10km. Diện tích tự nhiên toàn xã là hơn 2.200ha, trong đó diện tích chè chiếm hơn 33ha. Xã có 8 dân tộc anh em cùng chung sống, với 1.200 hộ dân được chia thành 9 thôn, xóm.
Xã La Bằng có suối Kẹm bắt nguồn từ dãy Tam Đảo bốn mùa nước trong vắt, uốn lượn chảy qua các ghềnh đá đủ kích cỡ và hình thù đẹp mắt, đang dần trở thành điểm sinh thái dã ngoại hấp dẫn du khách. Hiện 100% các xóm trong xã đều được công nhận Làng nghề chè truyền thống, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể chè La Bằng năm 2012.
Là một trong những xã về đích nông thôn mới sớm nhất của huyện, La Bằng đang phấn đấu xã nông thôn mới nâng cao. Vì vậy, cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt tuyến đường trục chính của xã được trải nhựa, bê tông, thuận tiện cho phương tiện giao thông đi lại, góp phần phát triển du lịch.
Tháng Tư vừa qua, điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, xã La Bằng được Ủy ban Nhân dân tỉnh công nhận, do Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng quản lý. Hợp tác xã gồm 8 thành viên, lĩnh vực hoạt động là kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày, dịch vụ ăn uống, du lịch cộng đồng, góp phần đưa du lịch cộng đồng phát triển bài bản, gia tăng giá trị kinh tế cho người dân...
Anh Nguyễn Văn Tới, người dân tộc Tày, chủ La Bằng Homestay, xóm Tân Sơn, xã La Bằng, chia sẻ homestay bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2020, tuy còn mới nhưng đã có nhiều du khách trong nước và quốc tế biết tới, đến trải nghiệm, lưu trú.
Trước đây, gia đình anh chỉ trồng và chế biến chè, thu nhập chưa ổn định. Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng tại La Bằng có nhiều thuận lợi, mát mẻ, cuối tuần du khách tìm đến để nghỉ dưỡng, vì vậy, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng xây dựng mô hình homestay.
Từ số vốn vay ban đầu 1,8 tỷ đồng, trên diện tích sẵn có, anh Tới đầu tư mô hình homestay với các hạng mục như nhà sàn cộng đồng, bể bơi, nhà hàng, phòng lưu trú nhỏ đáp ứng nhu cầu cho khoảng 450-500 du khách. Khách du lịch tới La Bằng được tham quan các điểm di tích lịch sử tại địa phương, hòa mình vào thiên nhiên, chiêm ngưỡng khung cảnh núi rừng hùng vĩ, tham quan suối, thác nước, được thưởng thức các món ăn mang hương vị đặc trưng của núi rừng.
Du khách thưởng thức ẩm thực địa phương tại La Bằng Homestay, xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
Du khách còn được tìm hiểu về văn hóa dân tộc tại địa phương, tham quan khu vực sản xuất, chế biến chè nổi tiếng… Mô hình La Bằng homestay không chỉ góp phần tăng thu nhập cho gia đình mà còn giúp giải quyết việc làm cho 15-20 lao động địa phương...
Cùng với La Bằng, xã Hoàng Nông có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, nhất là tại khu vực Cửa Tử, thuộc xóm Đồng Khuôn, nơi có suối Cửa Tử và suối Khoai bắt nguồn từ đỉnh núi Tam Đảo. Hai bên suối là những thảm rừng nguyên sinh dưới chân núi Tam Đảo xen lẫn bãi đá thiên nhiên, thác nước, phù hợp loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm.
Xã Hoàng Nông hiện đã hình thành 3 mô hình homestay, farmstay và làng nghề chè xóm Cầu Đá - một trong những vùng có cảnh quan, không gian vườn chè, đồi chè đẹp nhất tỉnh Thái Nguyên, thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi dịp cuối tuần...
Theo ông Dương Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đại Từ, để phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, huyện đã lập Đề án phát triển du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí dự kiến hơn 260 tỷ đồng với một số nội dung chính như nỗ trợ lập quy hoạch chi tiết xây dựng điểm du lịch xã La Bằng, Hoàng Nông; mở rộng và tôn tạo di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên ở xã La Bằng; hỗ trợ vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch xã Hoàng Nông, La Bằng; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Quốc lộ 37 vào hai xã La Bằng và Hoàng Nông...
Huyện từng bước đa dạng các hoạt động du lịch, kết hợp du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, thúc đẩy sự phát triển các ngành nghề khác, đặc biệt là trồng và chế biến chè, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Tỉnh Thái Nguyên có trên 30 mô hình du lịch cộng đồng do các hợp tác xã, hộ gia đình làm chủ. Các mô hình này mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm, lưu trú, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương./.
Theo Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN/Vietnam+) – 23/8/2023
https://www.vietnamplus.vn/thai-nguyen-phat-trien-du-lich-sinh-thai-huong-di-moi-cua-dai-tu/890607.vnp