Cập nhật: 29/08/2023 07:36:00
Xem cỡ chữ

Lo ngại sự phục hồi yếu từ Trung Quốc, các nhà đầu tư toàn cầu đã rút hơn 10 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán nước này - phần lớn thông qua việc bán các cổ phiếu blue-chip nắm giữ.

Kinh te Trung Quoc suy giam,

Dây chuyền lắp ráp xe ôtô năng lượng mới ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày 3/7/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đóng góp vào 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Do đó, sự suy giảm đáng kể của nước này trong những tháng gần đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn thế giới.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tác động từ sự suy thoái của Trung Quốc đối với các nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu có thể quan sát thấy trên nhiều khía cạnh, như trao đổi thương mại quốc tế sụt giảm, áp lực giảm phát, phục hồi du lịch chậm, nhu cầu hàng hóa đặc biệt là hàng xa xỉ đi xuống, tác động tiền tệ và trái phiếu…

Số liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy giá trị hàng nhập khẩu của nước này đã giảm liên tục trong chín tháng gần đây, do nhu cầu trong nước đi xuống. Trong số các thị trường, châu Á và châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với giá trị nhập khẩu giảm hơn 14% trong bảy tháng tính từ đầu năm nay.

Nhật Bản, nhà xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới, vào tháng Bảy vừa qua cũng đã báo cáo xuất khấu sang Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong hơn hai năm, sau khi cường quốc châu Á cắt giảm mua ôtô và chất bán dẫn (chip).

Các Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và Thái Lan, vào tuần trước, đã đổ lỗi cho sự phục hồi yếu của Trung Quốc khiến họ điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng quốc gia.

Mặc dù khối lượng thực tế các mặt hàng nguyên liệu đầu vào như quặng sắt hoặc đồng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng. Nhưng nếu hoạt động sản xuất trong nước của Trung Quốc tiếp tục bị thu hẹp, số lượng đặt mua có thể bị ảnh hưởng, gây tác động tới các công ty khai thác ở Australia, Nam Mỹ và một số nơi khác trên thế giới.

Thước đo về hàng hóa xa xỉ của châu Âu và hoạt động du lịch, giải trí của Thái Lan cũng đang chứng kiến mức sụt giảm về chỉ số vốn chủ sở hữu trong nước của Trung Quốc.

Các công ty hàng thời trang xa xỉ như công ty LVMH, chủ sở hữu thương hiệu Louis Vuitton và Kering SA, chủ sở hữu của Gucci và Hermes International, đã thừa nhận dễ bị tổn thương trước bất kỳ sự chao đảo nào về nhu cầu của cường quốc lớn nhất châu Á.

Lo ngại sự phục hồi yếu từ Trung Quốc, các nhà đầu tư toàn cầu đã rút hơn 10 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán nước này, phần lớn thông qua việc bán các cổ phiếu blue-chip nắm giữ.

Hai ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley mới đây khuyến nghị giảm mua cổ phiếu Trung Quốc, đồng thời cảnh báo về rủi ro đang lan rộng sang phần còn lại của khu vực.

Khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc đã đẩy đồng nhân dân tệ giảm hơn 5% so với đồng USD trong năm nay. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy sự mất giá của đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đang có tác động lớn hơn đến các đồng tiền cùng loại khác ở châu Á, Mỹ Latinh, cũng như khối Trung và Đông Âu.

Theo Ngân hàng Barclays Bank, sự lan rộng tâm lý yếu kém có thể đè nặng lên các loại tiền tệ như đồng đôla Singapore, đồng baht Thái Lan, đồng peso Mexico và cả đồng đôla Australia.

Tuy nhiên, không phải mọi tín hiệu đều là màu xám. Sự suy thoái của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ kéo giá dầu toàn cầu đi xuống và giảm phát ở nước này đồng nghĩa với việc giá hàng hóa được vận chuyển trên toàn thế giới đang giảm. Đó là một lợi ích cho các quốc gia như Mỹ và Anh, vốn vẫn đang phải vật lộn với lạm phát cao.

Kinh te Trung Quoc suy giam,

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một số thị trường mới nổi như Ấn Độ cũng nhìn thấy cơ hội. Nước này kỳ vọng sẽ tăng thu hút đầu tư nước ngoài khi một loạt tập đoàn toàn cầu đang rời khỏi Trung Quốc.

Nhưng với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sự suy thoái kéo dài ở Trung Quốc sẽ gây tổn hại thay vì giúp ích cho phần còn lại của thế giới.

Một phân tích từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chỉ ra rằng khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc tăng 1 điểm phần trăm, thì tốc độ tăng trưởng toàn cầu được thúc đẩy thêm khoảng 0,3 điểm phần trăm.

Chiến lược gia trưởng toàn cầu của công ty nghiên cứu BCA, Peter Berezin, nhận định giảm phát của Trung Quốc “không phải là điều xấu” đối với nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng nếu phần còn lại của thế giới, bao gồm Mỹ và châu Âu, cùng rơi vào suy thoái, trong khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn yếu, thì đó sẽ là một vấn đề không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu./.

Theo Diệu Linh (TTXVN/Vietnam+) – 28/8/2023

https://www.vietnamplus.vn/kinh-te-trung-quoc-suy-giam-giong-hoi-chuong-canh-bao-toan-cau/891158.vnp