Cập nhật: 04/09/2023 07:49:00
Xem cỡ chữ

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đi sâu vào phân tích cơ cấu tăng trưởng GDP thì lĩnh vực công nghiệp - lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam lại là lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất.

Cong nghiep la linh vuc bi tac dong nang ne nhat cua kinh te Viet Nam hinh anh 1

Sản xuất lốp xe ôtô tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sailun Việt Nam, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi tích cực trong tháng 8/2023 với nhiều chỉ tiêu kinh tế duy trì đà tăng trưởng tháng sau tốt hơn tháng trước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước, điều này cũng tạo áp lực rất lớn lên tăng trưởng cả năm 2023.

Để hiểu rõ hơn những động lực cũng như những giải pháp đề ra để thực hiện mục tiêu tăng trưởng từ nay đến cuối năm, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương xung quanh nội dung này.

Kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi tích cực với nhiều chỉ tiêu kinh tế duy trì đà tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, nhìn chung, bối cảnh kinh tế-xã hội năm 2023 khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Vậy, theo Thứ trưởng, mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2023 có quá cao không?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Trong năm 2023, có thể thấy kinh tế thế giới đang đối mặt với 4 rủi ro chính, bao gồm: tác động của xung đột địa chính trị kéo dài và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; nguy cơ rủi ro thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng và rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu.

Mặc dù giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu có xu hướng dần hạ nhiệt, nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính tiền tệ gia tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn mong đợi, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường của Việt Nam.

Kinh tế thế giới đầy rủi ro cùng những khó khăn, thách thức nội tại khiến nửa đầu năm 2023, GDP tăng trưởng thấp ở mức 3,72%, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán Ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Như vậy, nhiệm vụ đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2023 là rất nặng nề. Tính toán cho thấy, nếu tăng trưởng không đạt mục tiêu sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2025, thậm chí xa hơn là các mục tiêu 2030-2045 như Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đã đề ra.

- Vậy trong bối cảnh hiện nay, có nên đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội thông qua?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra là hết sức nặng nề. Bởi, nếu chúng ta muốn đạt được mức tăng trưởng 6,5% của năm 2023 thì quý 3 và quý 4 cần tăng trưởng xấp xỉ 9%. Mặc dù đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và thách thức nhưng chúng ta cần kiên định, phấn đấu tối đa để đạt được kết quả tốt nhất trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Khi phân tích những yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế của năm 2023 thì yếu tố khách quan là rất lớn. Đặc biệt, đi sâu vào phân tích cơ cấu tăng trưởng GDP thì lĩnh vực công nghiệp - lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam lại là lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất.

Điều này cũng thể hiện rất rõ nét sự ảnh hưởng bởi cầu thế giới đến hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi hầu hết các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến chế tạo, điện tử phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tiêu thụ của các nền kinh tế lớn vốn đang giảm mạnh, thậm chí có những thị trường giảm đến 60%.

Trong bối cảnh khó khăn thì khu vực nông nghiệp tiếp tục thể hiện là trụ đỡ rất quan trọng đã có sự tăng trưởng rất tốt. Cùng với đó là sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực dịch vụ du lịch. Hai khu vực này đã đỡ cho khu vực công nghiệp rất nhiều trong cơ cấu chung của tăng trưởng GDP.

- Xin Thứ trưởng cho biết rõ hơn về những thách thức và cơ hội Việt Nam có thể tận dụng trong những tháng cuối năm?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Các khó khăn vẫn còn nhưng đang có những chuyển biến tích cực. Về lạm phát và kế hoạch điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã giãn thời gian cũng như biên độ tăng lãi suất so với trước đây. Đây tuy còn là thách thức nhưng cũng cho thấy những cơ hội và triển vọng.

Bên cạnh đó, dù tổng cầu của toàn cầu vẫn đang ở mức thấp nhưng đang có những dấu hiệu cho thấy đang có sự nhích dần của chi tiêu.

Doanh nghiệp đang bắt đầu có lại những đơn hàng mặc dù ở quy mô nhỏ nhưng cũng cho thấy đang có sự khởi động lại đối với tổng cầu của thế giới.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là việc mở rộng thị trường mới bên cạnh tiếp tục bám sát các thị trường truyền thống để tận dụng các cơ hội khi có dấu hiệu phục hồi.

Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư thế giới cũng cho thấy có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư vào Việt Nam.

Nhận định của các chuyên gia và tổ chức quốc tế vẫn đang đánh giá rất tích cực về thị trường Việt Nam, Việt Nam vẫn là điểm đến tốt và luôn nằm trong danh sách để cân nhắc khi mở rộng đầu tư hoặc đầu tư mới. Đây cũng là một tiềm năng chúng ta cần duy trì để trở thành một thị trường hấp dẫn thu hút được nhà đầu tư lớn, ngay cả trong bối cảnh khó khăn như bây giờ.

- Trong bối cảnh đó, cần có những giải pháp gì để hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội cho tăng trưởng, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Trong những tháng cuối năm, cần thúc đẩy hơn nữa các động lực tăng trưởng, gồm: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động.

Đặc biệt, cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn. Các bộ, ngành, địa phương xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, tập trung xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công, như: công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng.

Cong nghiep la linh vuc bi tac dong nang ne nhat cua kinh te Viet Nam hinh anh 2

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bối cảnh khó khăn, chúng ta cần tìm cơ hội trong thách thức, tận dụng các cơ hội để tạo được các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, cần tiếp tục bám sát, dự báo tình hình kinh tế, tài chính-tiền tệ quốc tế để có phương án ứng phó kịp thời; nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng.

Ngoài ra, một giải pháp khác rất quan trọng, đó là cần cải cách thể chế, tạo ra những không gian chính sách mới cho kinh tế phát triển.

Trước hết, cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, bao gồm cả cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho những vấn đề hiện tại và xây dựng hành lang pháp lý phục vụ phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, vừa là để bắt kịp xu thế, vừa là tận dụng cơ hội và góp phần vượt qua thách thức hiện nay và sắp tới.

Cùng với đó, phải quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Các bộ, ngành cần khẩn trương tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể, đủ thẩm quyền để thể chế hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách niệm vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất-kinh doanh và đầu tư là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

- Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Vậy, theo Thứ trưởng, chúng ta phải triển khai thực hiện Nghị quyết này như thế nào?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Nghị quyết số 105/NQ-CP đã cụ thể hóa, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh kỷ luật kỷ cương, tăng cường cải cách hành chính và điểm đến là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong thời gian tới, phải khẳng định rằng chúng ta sẽ vẫn phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đây là yếu tố cốt lõi, tuy nhiên có một điểm mới trong Nghị quyết số 105/NQ-CP là đã có sự linh hoạt giữa hai mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng.

Cụ thể, Nghị quyết số 105/NQ-CP đã đặt mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bởi lẽ qua phân tích tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam cho thấy, chúng ta đã kiểm soát lạm phát rất hiệu quả. Điều này đã tạo ra nền tảng tốt để dành ưu tiên nhiều hơn trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, cố gắng đạt mục tiêu cao nhất có thể.

Đặc biệt có một điểm mới trong Nghị quyết số 105/NQ-CP đó là làm cách nào để khắc phục được tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, dám làm dám chịu trong đội ngũ cán bộ công chức. Đây là một nhiệm vụ mới và hết sức khó khăn, không chỉ đơn thuần là những giải pháp mang tính kỹ thuật mà còn là những giải pháp về mặt tâm lý.

Qua những phân tích ở trên có thể thấy, rất nhiều giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện và điểm rơi là những tháng cuối năm. Hơn thế nữa Nghị quyết số 105/NQ-CP với 6 quan điểm 3 mục tiêu và 5 nhóm giải pháp đủ để chúng ta thực hiện trong những tháng cuối năm, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng.

Về cá nhân tôi, tôi hết sức tin tưởng với những giải pháp đã được đề ra, nếu chúng ta thực hiện một cách quyết liệt hiệu quả các giải pháp thì kết quả của những tháng cuối năm sẽ tích cực hơn và phấn đấu đạt mức cao nhất có thể trong bối cảnh khó khăn.

- Xin cám ơn ông./.

Theo Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+) - 3/9/2023

https://www.vietnamplus.vn/cong-nghiep-la-linh-vuc-bi-tac-dong-nang-ne-nhat-cua-kinh-te-viet-nam/892249.vnp