Cập nhật: 13/09/2023 07:45:00
Xem cỡ chữ

Đến với Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung du khách không chỉ được chiêm ngắm các nét văn hóa truyền thống mà còn được thưởng thức các món ẩm thực truyền thống.

Bình Định là nơi hội tụ và giao hòa văn hóa của nhiều dân tộc anh em. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, tỉnh Bình Định hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc: Bana Kriêm, Chăm Hroi, Hrê…

Cộng đồng người Bana Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định có những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Ngoài các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, các lễ hội truyền thống, như lễ hội đâm trâu, lễ hội nhà rông, lễ hội ăn cốm lúa mới… mang bản sắc văn hoá riêng, trở thành nếp sống được đồng bào giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Trình diễn nhạc cụ truyền thống của người Chăm - Ninh Thuậ

Đánh cồng chiên của đồng bào Rắc Lây - Khánh Hoà

Lễ hội ăn cốm lúa mới của đồng bào Bana Kriêm là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn trong năm. Lễ hội gồm 3 phân đoạn chính là các thiếu nữ lên rẫy ngắt bông lúa mới và mang lúa về làng, cảnh vui giã cốm và phần lễ hội theo phong tục của bà con nơi đây. Lễ hội mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, ông bà tổ tiên, đón hồn lúa về làng, cầu mong một năm lúa thóc đầy nhà, đời sống bà con buôn làng ấm no, hạnh phúc.

Đến với cuộc Thi trình diễn trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc, Ngày hội văn hoá các dân tộc miền Trung lần này, đồng bào Bana Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đã tái hiện trình diễn lễ hội ăn cốm lúa mới.

Dệt thổ cẩm

Sản phẩm từ thổ cẩm của người dân Quảng Nam

“Việc tái hiện trình diễn lễ hội ăn cốm lúa mới là cơ hội lớn để chúng tôi quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào Bana Kriêm Vĩnh Thạnh. Đây cũng là dịp để chúng tôi được giao lưu với du khách có mặt ở Quy Nhơn trong dịp này”, nghệ nhân nhân dân Đinh Chương (84 tuổi, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) chia sẻ.

Các lễ hội, nghi thức, sinh hoạt văn hóa đã mô phỏng một cách khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc, diễn ra trang trọng đúng phong tục nhằm tạ ơn đất trời, tổ tiên, cầu mong an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt,… như một minh chứng về sự phong phú, đa dạng và nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, có sự kế thừa các yếu tố văn hoá truyền thống đậm bản sắc của đồng bào dân tộc…

Ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc miền Trung

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ 4 đã tạo ra một không gian văn hóa ý nghĩa, để các cơ quan quản lý văn hoá, các nghệ sĩ, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số… gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, khẳng định: “Thông qua Ngày hội, những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thế hệ sẽ được nối tiếp, vun đắp và tô đậm hơn theo thời gian của lịch sử, đó cũng là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Bếp lửa của đồng bào Thái - Thanh Hoá

Đây cũng là dịp tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung tới người dân, du khách quốc tế, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương”.

Theo Diễm Phúc/vietnamnet.vn - 11/09/2023

 https://vietnamnet.vn/doc-dao-am-thuc-truyen-thong-cua-dong-bao-dan-toc-mien-trung-2188184.html