Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam mới đây kiến nghị tăng cường các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua để bảo vệ sản xuất trong nước.
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc kiểm soát thịt gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu và kiểm soát chặt chẽ khi nhập khẩu.
Theo Cục Thú y, bất cứ sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đều phải đảm bảo theo quy trình đàm phán đánh giá. Mỗi sản phẩm động vật nhập khẩu đều mất từ 4 - 5 năm để xem xét và phải đảm bảo quy trình chặt chẽ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Cục Thú y phải thẩm định các hồ sơ về dịch bệnh, đồng thời giám sát quá trình đảm bảo an toàn thực phẩm tại nước nhập khẩu.
(Ảnh minh họa - KT)
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Việt Nam không có các quy định phân biệt đối xử với các sản phẩm. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn nếu được xây dựng, có áp dụng với thực phẩm từ các nước nhập khẩu thì cũng phải áp dụng đối với thực phẩm ở trong nước.
Qua kiểm tra đối với thực phẩm động vật trên cạn nhập khẩu như: thịt gà, thịt lợn, thịt bò… trong 2 năm qua, cơ quan thú y chưa phát hiện vụ việc nào có tồn dư dư lượng trên thực phẩm đến mức phải cảnh báo.
“Bất kỳ sản phẩm động vật của quốc gia nào xuất khẩu vào Việt Nam cũng phải đàm phán không dưới 5 năm. Nhập khẩu các sản phẩm là theo nhu cầu của thị trường, nhưng những sản phẩm nhập khẩu phải thuộc quốc gia đã được đàm phán, đánh giá. Các doanh nghiệp nhập khẩu cũng phải được đánh giá vừa đảm bảo về mặt quy định của Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm. Sau đó, khi sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam sẽ vừa kiểm dịch vừa lấy mẫu kiểm tra theo đúng quy định” - ông Nguyễn Văn Long nói.
Theo Minh Long/VOV1 - 14/09/2023
https://vov.vn/kinh-te/thuc-pham-nhap-khau-phai-dam-bao-tieu-chuan-ve-thu-y-va-an-toan-thuc-pham-post1045747.vov