Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh điều này khi đề cập chương trình Diễn đàn Kinh tế - Xã hôi Việt Nam 2023 sẽ diễn ra vào 19/9 tới đây tại Hà Nội.
Cần biện pháp, chính sách phù hợp để thích ứng
Diễn đàn năm có chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”. Phân tích nội hàm của chủ đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hơn 2 năm đã tác động rất mạnh kinh tế toàn cầu, trong đó có nền kinh tế Việt Nam.
Nhiều điểm nghẽn, vấn đề nội tại của kinh tế cần giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phải kiến tạo ra động lực mới, đề xuất dư địa để tận dụng và khai thác triệt để để vừa giải quyết các nút thắt cũng như phục hồi tăng trưởng bền vững.
“Tình hình đó thì dự báo vấn đề sẽ như thế nào để có biện pháp, chính sách phù hợp thích ứng với sự biến đổi kinh tế thế giới và khu vực? Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vừa qua thế nào, đạt được gì và thời gian tới cần xử lý vấn đề gì?” – ông Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề và mong rằng như kinh nghiệm qua các diễn đàn trước đây, các chuyên gia, nhà kinh tế, doanh nhân có đề xuất cụ thể để Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu gói giải pháp tại kỳ họp cuối năm.
Đề cập bức tranh kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết mới nhận dự thảo báo cáo của Chính phủ và sắp tới ủy ban sẽ thẩm tra. Song, về cơ bản, tinh thần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để điều hành, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn.
“Những tháng đầu năm thực hiện tốt. Các nước lạm phát cao nhưng CPI của chúng ta chỉ 3,1%, rồi nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài cũng trong tầm kiểm soát và giới hạn mà Quốc hội quyết nghị. Định vị tín nhiệm, vị thế quốc tế của chúng ta được cải thiện tích cực. Cùng với đó an sinh xã hội, phúc lợi xã hội có giải pháp thực hiện tích cực; quốc phòng an ninh, đối ngoại được tăng cường, như vừa qua Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam và hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện” – ông Vũ Hồng Thanh dẫn chứng.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức của nền kinh tế cần nhận diện vì “bức tranh có cả gam sáng và gam màu xám”. Động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại. Đầu tư công cần giải pháp thúc đẩy vì 8 tháng mới giải ngân hơn 42%, dù mấy tháng gần đây có chuyển biến song chưa như yêu cầu. Sức khỏe đầu tư tư nhân đang bị bào mòn sau đại dịch khi hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng dẫn đến người lao động phải giảm, giãn, mất việc làm.
“Tóm lại, bức tranh kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh xám màu của nền kinh tế thế giới” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.
Nhận diện rào cản, nút thắt cho vấn đề cấp bách và lâu dài
Nhấn mạnh ý nghĩa của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, cấu trúc các chuyên đề thảo luận đặt ra những vấn đề mang tính cấp bách cũng như lâu dài để gợi mở các giải pháp phù hợp, cụ thể để khơi thông nguồn lực, phục hồi tăng trưởng, phát triển bền vững.
Các ý kiến sẽ nhận diện rào cản, nút thắt trong phát triển kinh tế hiện nay qua đánh giá 9 tháng và dự báo cả năm 2023. Ông cho biết, mặc dù có nỗ lực lớn nhưng tốc độ tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng, dự báo năm nay hoàn thành 10/15 chỉ tiêu. Điều đáng lưu ý là 5 chỉ tiêu chưa đạt lại phản ánh chất lượng tăng trưởng.
Cụ thể như năng suất lao động dự kiến chỉ đạt 3,7-4,7% trong khi mục tiêu đặt ra là 5,6%, còn cả nhiệm kỳ từ 6-6,5%, chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030 cũng đề ra trên 6%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong tổng GDP không đạt trong năm 2023 cũng như bình quân giai đoạn 2021-2025
“Rõ ràng chỉ tiêu không đạt được đó vừa cấp bách trong ngắn hạn, đồng thời là vấn đề đặt ra trong dài hạn” – ông Nguyễn Đức Hiển nói.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng phân tích những vấn đề mang tính dài hạn sẽ được đề cập tại diễn đàn nhằm gợi mở các giải pháp. Thứ nhất, đánh giá toàn bộ quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trong thời gian vừa qua. Bởi, để phát triển nhanh, bền vững cần đảm bảo cơ cấu, chuyển dịch đồng bộ.
Thứ hai, để tăng trưởng về dài hạn vẫn phải dựa vào năng lực nội sinh, tự lực tự cường. Hiện nước ta xuất siêu nhưng tỉ trọng khu vực DN đầu tư nước ngoài là đa số; sự chuyển giao công nghệ có tích cực hơn nhưng còn hạn chế…
Thứ ba, năng suất lao động là câu chuyện phải được giải quyết vì đây là gốc, yếu tố sống còn với phát triển dài hạn và chất lượng tăng trưởng và tăng cường năng lực nội sinh.
Thứ tư là chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, có nhiều đường hướng, chủ trương phát triển bền vững trong suốt gần 40 năm đổi mới, nhưng chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn mới đề cập rõ hơn từ 2020 đến nay, các ngành, lĩnh vực đều có định hướng lớn. Nhưng để triển khai được thì phải thể chế hoá bằng chính sách, đề án cụ thể, nhất là gắn vào những vấn đề đang mở ra trong phát triển trung, dài hạn như khai thác các quan hệ Đặc biệt, Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược cũng như các FTA thế hệ mới...
Theo Ngọc Thành/VOV.VN – 17/9/2023
https://vov.vn/chinh-tri/kinh-te-viet-nam-la-diem-sang-trong-buc-tranh-xam-mau-cua-kinh-te-the-gioi-post1046481.vov