Trong bài phát biểu tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 78, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta hãy là những thuỷ thủ có trách nhiệm, đoàn kết, tin tưởng, chung sức, chung lòng, cùng nhau “vững tay lái, chắc tay chèo” đưa “Con tàu Liên Hợp Quốc” đến với những chân trời mới, thịnh vượng và bao trùm hơn.
Chiều 22/9 (giờ New York, Hoa Kỳ), trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu với chủ đề “Cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, thể hiện sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và làm nguồn lực của sự phát triển”.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại đây.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trải qua nhiều đau thương, hy sinh, mất mát từ nhiều cuộc chiến tranh, sự chia cắt, bao vây, cấm vận của Thế kỷ trước, Việt Nam thấu hiểu và trân trọng, quý giá hoà bình, hợp tác và phát triển. Với tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, bằng sự kiên trì, cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi, Việt Nam đã biến thù thành bạn; chuyển đối đầu thành đối thoại; vừa hợp tác, vừa đấu tranh; đưa đối thủ thành đối tác, và được bạn bè quốc tế xem là hình mẫu của hợp tác, khắc phục và hoà giải sau chiến tranh vì sự phát triển và thịnh vượng chung của các bên.
Từ đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra các yếu tố chủ đạo, quyết định trong quan hệ quốc tế là lòng tin, sự chân thành và đoàn kết. Thủ tướng phân tích ý nghĩa của các yếu tố này và nhận định rằng chỉ có lòng tin, sự chân thành và đoàn kết trên phạm vi toàn cầu, với sự củng cố, tăng cường vai trò của Liên Hợp Quốc và sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia, mới giúp chúng ta cùng chung tay giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức, thúc đẩy hoà bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng trên toàn thế giới, mang lại hạnh phúc, ấm no cho mọi người dân.
Đánh giá về những khó khăn, thách thức hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cho rằng thế giới hiện có 4 khủng hoảng nghiêm trọng gia tăng về lòng tin, về hợp tác đa phương, về nguyên tắc pháp lý và về nguồn lực. Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng đề xuất nhiệm vụ và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo trên thế giới là phải cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, thực sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác đa phương, song phương; ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài phát biểu Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78.
Để làm được điều đó, Thủ tướng đề nghị cộng đồng quốc tế tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp chính trong đó nhấn mạnh: để ứng phó với các thách thức toàn cầu cần có những giải pháp toàn cầu; đồng thời những vấn đề này tác động đến tất cả các quốc gia, nên cần có cách tiếp cận toàn dân, tổng thể, toàn diện và bao trùm.
"Lấy sự chân thành, củng cố lòng tin chiến lược làm tiền đề, nâng tầm trách nhiệm của các quốc gia làm nền tảng. Sự chân thành, lòng tin cần được xây dựng và củng cố thông qua đối thoại bình đẳng và thẳng thắn, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung, hướng tới giải quyết các bất đồng, kiềm chế và ngăn ngừa xung đột.
Trách nhiệm là việc tuân thủ những cam kết quốc tế, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, không sử dụng vũ lực, chính trị cường quyền và chủ nghĩa đơn phương, không gây chia rẽ, phân tách. Trong đó, các nước lớn có vai trò hết sức quan trọng, tiên phong trong vun đắp lòng tin, lan toả sự chân thành và tinh thần trách nhiệm, đồng thời phải cam kết mạnh mẽ, hỗ trợ toàn diện hơn nữa cho phát triển toàn cầu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng cho rằng, phải có giải pháp toàn cầu về thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, trong đó cần lấy đoàn kết thay cho chia rẽ, đối thoại thay cho đối đầu, hợp tác thay cho cô lập, phân hoá; Theo Thủ tướng cần có giải pháp toàn dân về thúc đẩy chính sách lấy người dân làm trung tâm, là mục tiêu, chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển bền vững trong mọi tiến trình hoạch định chính sách và trong hành động;
Không để ai bị bỏ lại phía sau; cần thúc đẩy các giải pháp tổnh thể về kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn, trong đó có xây dựng, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giảm bớt các rào cản thương mại, đầu tư, tăng cường các FTA.
Cùng với đó Thủ tướng nêu rõ cần khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; trong đó tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh; đồng thời, các nước đang phát triển, chậm phát triển, nhất là các quốc gia chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh… cần được hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và quản trị điều phối.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài phát biểu Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hoá, đa phương hoá; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; sẽ đóng góp mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn nữa vào các ưu tiên của LHQ, trong đó có đẩy mạnh tham gia gìn giữ hoà bình, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa phấn đấu xấu khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm nay nhằm góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Nhắc lại lịch sử phát triển và vị thế hiện nay của khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Từ một khu vực bị chiến tranh tàn phá và chia rẽ sâu sắc, Đông Nam Á đã chuyển mình thành một khu vực đoàn kết, hữu nghị và hợp tác, tâm điểm của tăng trưởng. ASEAN khẳng định tầm vóc, vai trò trung tâm trong duy trì hòa bình, an ninh, thịnh vượng tại khu vực.
"Chúng tôi khẳng định và cam kết cùng các nước trong và ngoài khu vực duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; tuân thủ các nguyên tắc kiềm chế, tránh các hành động đơn phương, giải quyết tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hoà bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý công bằng.
Cố Tổng Thư ký Dag Hammarskjöld từng ví Liên Hợp Quốc như con tàu “Santa Maria” mới, đưa tất cả chúng ta vượt qua sóng gió, bão tố và những vùng biển chưa được khám phá để đi đến hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Chúng ta hãy là những thuỷ thủ có trách nhiệm, đoàn kết, tin tưởng, chung sức, chung lòng, cùng nhau “vững tay lái, chắc tay chèo” đưa “Con tàu Liên hợp quốc” đến với những chân trời mới, thịnh vượng và bao trùm hơn”.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ kết thúc phát biểu, nhiều bè bạn quốc tế đã tập trung đến chúc mừng Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, bày tỏ sự cảm kích trước những đóng góp tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam.
Theo Vũ Khuyên/VOV– 23/9/2023
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-hay-cung-nhau-dua-con-tau-lhq-den-nhung-chan-troi-moi-thinh-vuong-post1047798.vov