Tuần qua, riêng thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm hơn 6% so với mức đỉnh đạt được vào cuối tháng Bảy; chỉ số S&P 500 mất 2,9%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng Ba.
Hoạt động giao dịch trên Thị trường Chứng khoán New York (Mỹ) ngày 13/3/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thị trường chứng khoán thế giới đã chứng kiến một tuần giao dịch nhiều biến động, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất, nhưng ra tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm nữa trong năm nay và giá dầu lần đầu tiên trong 10 tháng gần đây đã vượt ngưỡng 95 USD/thùng.
Trong tuần này (18-23/9), thị trường chứng khoán Mỹ đã bị giảm hơn 6% so với mức đỉnh đạt được vào cuối tháng Bảy. Chỉ số S&P 500 mất 2,9%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng Ba. Hai chỉ số chính khác là chỉ số công nghệ Nasdaq và chỉ số công nghiệp Dow Jones đều đi xuống.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/9, chỉ số S&P 500, giảm 9,94 điểm (0,2%), còn 4.320,06 điểm, chỉ số Nasdaq giảm 12,18 điểm (0,1%), dừng ở 13.211,81 điểm, trong khi chỉ số Dow Jones giảm 106,58 điểm (0,3%), còn 33.963,84 điểm.
Ông Charlie Ripley, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Công ty Đầu tư Allianz Investment Management, nhận định nền kinh tế Mỹ đã cho thấy sự kiên cường trong hai quý gần đây, nhưng đang bước vào giai đoạn có rủi ro đáng kể. Điều này khiến các nhà đầu tư đang thấy có lý do để loại bỏ mức độ mạo hiểm và làm giảm bớt nhu cầu đối với chứng khoán.
Chuyên gia Zachary Hill, người đứng đầu bộ phận quản lý danh mục đầu tư tại Công ty Đầu tư Horizon Investments, cho biết việc Fed dự kiến sẽ duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn dự kiến đã gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu và trái phiếu Mỹ.
Dữ liệu từ nghiên cứu của hãng nghiên cứu thị trường BoFA Global cho thấy các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu toàn cầu với tốc độ nhanh nhất trong năm nay, với 16,9 tỷ USD ròng cổ phiếu được bán ra trong tuần này tính đến thứ 20/9.
Các thị trường chứng khoán châu Âu đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/9 trong sắc đỏ, với mức giảm điểm hàng tuần lớn. Các nhà đầu tư trên các thị trường này đang phải vật lộn với triển vọng lãi suất tăng và giữ mức cao trong thời gian dài, đi kèm với nỗi lo lắng về sự suy thoái kinh tế trong khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn còn tồn tại.
Khép phiên cuối tuần, chỉ số DAX trên sàn giao dịch Frankfurt giảm 0,1%, còn 15.557,29 điểm, chỉ số CAC 40 giảm 0,4% xuống còn 7.184,82 điểm, chỉ duy nhất chỉ số FTSE trên sàn London tăng 0,1%, lên 7.683,91 điểm.
Các nhà kinh tế tại Ngân hàng HSBC phân tích lãi suất cao hơn đang bắt đầu tác động đến nền kinh tế châu Âu. Với những lo ngại hạn chế về suy thoái kinh tế - ít nhất là về một cuộc suy thoái lớn - và giá năng lượng tăng trở lại, HSBC cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (EBC) trong ngắn hạn sẽ tiếp tục tập trung hơn vào việc giải quyết lạm phát, duy trì xu hướng thắt chặt tiền tệ thêm một thời gian nữa.
Tại Anh, số liệu chính thức cho thấy doanh số bán lẻ của nước này đã phục hồi một phần trong tháng Tám sau khi sụt giảm vào tháng trước đó, mang lại dấu hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán.
Trên các sàn giao dịch châu Á, giá cổ phiếu có sự chuyển dịch ngược chiều nhau.
Màn hình hiển thị các chỉ số chứng khoán tại Tokyo (Nhật Bản). (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Tại Trung Quốc cả hai chỉ số chính là Hang Seng ở Hong Kong và Shanghai Composite ở Thượng Hải đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 22/9, sau khi đi xuống trong phiên giao dịch trước đó.
Phần lớn các thị trường khác của châu Á cũng chuyển sắc xanh. Chỉ duy nhất thị trường chứng khoán Nhật Bản nối bước Phố Wall giảm điểm, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Trong tuần vừa qua, lần lượt ba ngân hàng trung ương lớn là Fed, Ngân hàng trung ương Anh (BoA) và BoJ đều đã công bố quyết định lãi suất mới nhất. Các nhà đầu tư trên toàn cầu hiện vẫn đang tìm hiểu quyết định của Fed về việc giữ nguyên lãi suất chủ chốt và bản cập nhật Dự báo kinh tế tóm tắt hàng quý để lý giải về thông tin chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ được duy trì lâu hơn dự đoán trước đó.
Ngày 22/9, Thống đốc Fed Michelle Bowman đã lên tiếng ủng hộ quan điểm "mạnh tay" của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC), tuyên bố rằng lãi suất nên được tăng thêm và giữ "ở mức cao trong một thời gian" để đưa lạm phát xuống mục tiêu 2%.
Ông Robert Pavlik, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại doanh nghiệp quản lý tài sản Dakota Wealth ở Fairfield, Connecticut, nói có rất nhiều yếu tố cản trở ý định “hạ cánh mềm” và đó là điều mà Fed cần lưu ý. Ông nhấn mạnh việc đẩy lãi suất lên cao hơn có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái./.
Theo Diệu Linh (TTXVN/Vietnam+) – 23/9/2023
https://www.vietnamplus.vn/co-phieu-toan-cau-dang-duoc-ban-voi-toc-do-nhanh-ky-luc/896085.vnp