Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang cần tăng cường nguồn lực, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng.
Năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước đang được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Mặc dù vậy, ngành CNHT nước ta còn khá non trẻ, yếu kém ở một số phân ngành. Quy mô và năng lực của các DN công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm được đánh giá là chưa cao.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Công ty CP Hanel Xốp Nhựa (Hanel Plastics) chia sẻ, trong năm 2022, DN còn đẩy được doanh số 9 tháng đầu năm lên khoảng 400 tỷ đồng, 9 tháng năm nay tuy đang phấn đấu nhưng khó có thể đạt được 370 tỷ đồng.
“Doanh số sụt giảm, lợi nhuận DN cũng sụt giảm theo bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất khẩu khó khăn, trong nước cũng không có thêm hợp đồng trong khi DN đa số xuất khẩu theo các tập đoàn lớn. Thời gian này DN tập trung huấn luyện công nhân, nâng cấp hệ thống chấp nhận lợi nhuận mỏng nhưng dòng tiền phải ổn định. Quan trọng nhất là DN cân đối giữ công nhân, người lao động và đào tạo và nghiên cứu những phương án để chuyển đổi quá trình sản xuất”, ông Phương cho biết.
Nhiều DN CNHT đang tái sản xuất trong bối cảnh nhiều khó khăn về nguồn vốn và đơn hàng
Với 300 DN thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT TP Hà Nội (HANSIBA), thời gian qua, các DN cũng gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19 cũng như nguồn lực hỗ trợ. Hiện các DN trong Hiệp hội hầu hết đã vượt qua được khó khăn bởi đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và mất đi bạn hàng. Nhờ tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại, các DN nay đang tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch thường trực HANSIBA, mặc dù nhà nước đã ban hành cơ chế chính sách, thành phố và Sở Công Thương cũng đã thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng năm, nhưng chủ thể DN trong và ngoài Hiệp hội còn chưa nắm bắt những ưu đãi mà đương nhiên DN được hưởng.
“HANSIBA đang tiếp tục nỗ lực đồng hành cùng với Sở Công Thương Hà Nội để tổ chức những hội nghị, hội thảo về vấn đề này. Cùng với đó thực hiện việc thẩm định các dự án, sản phẩm ưu đãi phát triển theo Nghị định của Chính phủ và Bộ Công Thương. Hiệp hội thường xuyên nhận hồ sơ nộp của các DN có nhu cầu đăng ký ưu đãi sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để họ được thừa hưởng ưu đãi theo quy định của Nhà nước về thuế, phí…”, ông Vân cho hay.
Hiện nay, các DN CNHT đang kỳ vọng nhiều vào trợ lực từ các cơ chế chính sách hỗ trợ, đặc biệt là dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT mà Bộ Công Thương đang trình Chính phủ với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất liên quan đến hỗ trợ lãi suất, ưu đãi thuế thu nhập DN, thu hút đầu tư vào CNHT…
Phó Chủ tịch thường trực HANSIBA Nguyễn Vân cho rằng, các DN hội viên cần được hỗ trợ sớm nhất về nguồn vốn ưu đãi cùng các thủ tục đơn giản cho DN dễ tiếp cận. Thứ nữa là các DN mong muốn được hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến thương mại để DN tận dụng cơ hội từ các cơ chế hợp tác đầu tư. Và tất nhiên, đào tạo nguồn lao động cho các DN CNHT cũng sẽ là đòi hỏi tất yếu.
“DN CNHT rất cần có sự hỗ trợ đầu tư về công nghệ để DN có thể tiếp cận vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn đang hoạt động tại Việt Nam. Hơn hết, CNHT muốn phát triển phải quan tâm dìu dắt những thế hệ thanh niên Việt Nam đã và đang du học, làm việc, làm thuê ở nước ngoài trở về quê hương, hình thành nên những DN sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo để hun đúc tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực CNHT”, ông Vân đề xuất.
Danh mục sản phẩm CNHT bổ sung nhiều sản phẩm mới phù hợp với xu thế hiện nay
Thông tin về kế hoạch hỗ trợ cho CNHT thời gian tới, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã ban hành danh mục sản phẩm CNHT trong đó bổ sung thêm nhiều sản phẩm mới phù hợp với xu thế hiện nay. Đặc biệt, khi doanh mục được mở rộng, đơn vị nào sản xuất được sản phẩm, chính sách của nhà nước phải hướng đến, phải hỗ trợ cho DN.
“Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các DN như Samsung, Toyota để hỗ trợ cho các DN CNHT của Việt Nam nâng cao được năng lực cũng như kết nối các DN trong chuỗi cung ứng với nhau. Trong thời gian tới, ngoài việc sửa đổi các chính sách, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có những giải pháp nâng cao năng lực cho DN CNHT thông qua đào tạo và mở rộng thị trường”, ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.
Trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, các nước có nhiều thay đổi trong chính sách xây dựng chuỗi cung ứng đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các DN CNHT Việt Nam. Hơn lúc nào hết, các DN CNHT đang cần được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp thêm những trợ lực từ chính sách, cơ chế để tăng cường nguồn lực, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN - 24/09/2023
https://vov.vn/kinh-te/cong-nghiep-ho-tro-can-tro-luc-but-pha-post1047897.vov