Đây là câu hỏi được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Thuý nêu ra, đồng thời cho rằng: "Nếu Quốc hội lại yêu cầu Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK sẽ vừa gây lãng phí, vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành".
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội (Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng) cho rằng, nếu Quốc hội lại yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa (SGK) sẽ vừa gây lãng phí, vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Bà Kim Thuý đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK trước khi quyết định. Đồng thời, thực hiện tổng kết, đánh giá sau khi thực hiện hết một chu kỳ (sau năm học 2024-2025) về thực hiện đổi mới chương trình SGK, giáo dục phổ thông, khi đó mới tiến hành điều chỉnh thì phù hợp và thuyết phục hơn.
Theo đại biểu Kim Thuý, Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội đã nêu rõ việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và có một số SGK cho mỗi môn học. Thực hiện nghị quyết 88 của Quốc hội, ngay năm đầu tiên thực hiện đổi mới, đã có 3 nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành đủ SGK của các môn học. Đến nay, đã triển khai đổi mới đến những lớp cuối cùng của cả 3 cấp học và chưa xảy ra tình trạng thiếu sách. Số tiền mà các doanh nghiệp bỏ vào để làm SGK lên con số hơn 1.200 tỷ đồng.
''Vậy có cần bỏ ra khoảng 400 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để làm thêm một bộ SGK nữa hay không? Việc ra đời một bộ SGK của Nhà nước có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xóa bỏ xã hội hóa không?'', Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đặt câu hỏi.
Bà Kim Thúy cũng nêu rõ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 122/2020 quy định, khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách Nhà nước của môn học đó.
Luật Giáo dục ban hành sau Nghị quyết 88/2014 thời gian 5 năm cũng chỉ quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK. Không quy định Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ SGK của Bộ nữa. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ các bộ.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đồng tình cho rằng, nhất định phải đánh giá kết quả thực hiện chương trình đổi mới SGK - Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Việc biên soạn mới một bộ SGK mới sẽ tốn kém và kinh phí, thời gian.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế
"Không cần thiết phải có thêm một bộ sách nữa mà phải dựa trên những bộ sách đang hiện hành để lựa chọn những nội dung phù hợp nhất cho từng môn học, bậc học, để hình thành bộ sách thống nhất. Đề nghị có sự tích hợp, đồng bộ, thể hiện trách nhiệm, chuyên nghiệp để từ những bộ sách hiện hành trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 hình thành sản phẩm một bộ SGK và sẽ triển khai từ 2025-2030. Nhất định phải đánh giá kết quả thực hiện chương trình đổi mới SGK - Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018", đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, việc giao Bộ GD-ĐT đơn phương vừa chủ trì và triển khai làm SGK sẽ không hiệu quả: "Chúng ta đang cần yếu tố toàn diện, đồng thuận và khách quan. Để đáp ứng yếu tố đó không nên giao cho Bộ GD-ĐT làm việc này. Theo tôi, giao Bộ GD-ĐT chủ trì và phối hợp với các cơ quan để triển khai. Chủ trì cũng phải dựa trên nguyên tắc khách quan toàn diện, tập trung dân chủ, đặc biệt hội tụ các chuyên gia chuyên môn chuyên ngành để không lệch, hổng trong từng bậc học, môn học về nội dung".
Theo Lê Hoàng/VOV.VN - 25/10/2023
https://vov.vn/xa-hoi/co-can-bo-ra-400-ty-de-lam-them-mot-bo-sgk-post1054817.vov