Tại quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, các nhà khảo cổ đã khai quật được một nhóm xe kéo - trong đó có cỗ xe “sáu con cừu” quý hiếm.
Xe cừu chỉ xuất hiện ít ỏi trong dã sử và truyền thuyết Trung Quốc, được cho là một dạng "cỗ xe tình yêu" của nhà vua. (Nguồn: SCMP/Shutterstock/CCTV)
Các nhà khảo cổ ở Trung Quốc đã khai quật được một nhóm xe kéo - trong đó có cỗ xe “sáu con cừu” quý hiếm ở "ngôi mộ phía Tây" thuộc quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, tại tỉnh Thiểm Tây, phía Tây Bắc Trung Quốc.
Với việc các con cừu được xếp thành hàng một cách ngay ngắn, các nhà khảo cổ cho rằng chúng có thể là vật chôn theo trong nghi lễ chôn cất thời xưa của người Trung Quốc.
Trong khi phần thân chính của cỗ xe có thể đã mục nát, nhưng dấu vết về các công cụ dùng để kéo xe vẫn còn trên xương cừu.
Jiang Wenxiao, người đứng đầu dự án khai quật khảo cổ học, cho biết trong thông báo chính thức rằng phát hiện này là “đặc biệt hiếm” trong khảo cổ học Trung Quốc.
Xe ngựa và xe bò kéo rất phổ biến ở Trung Quốc cổ đại nên các nhà khảo cổ thường tìm thấy chúng trong các cuộc khai quật.
Tuy nhiên, các ghi chép lịch sử về xe cừu kéo rất hiếm nên việc tìm ra bằng chứng về sự tồn tại của chúng là một bước đột phá.
Cỗ xe này cũng cổ hơn rất nhiều so với lần xuất hiện đầu tiên của cỗ xe sáu con cừu trong các ghi chép lịch sử.
Chúng chỉ xuất hiện ít ỏi trong dã sử và truyền thuyết Trung Quốc, được cho là một dạng "cỗ xe tình yêu" của nhà vua.
Trước phát hiện kể trên, ghi chép lịch sử cổ xưa nhất về cỗ xe sáu con cừu liên quan tới Tấn Vũ Đế, người được mô tả là sử dụng xe để "đi quanh cung điện."
Tương truyền, người sáng lập triều đại Tây Tấn đã cưỡi xe cừu hàng đêm ở hậu cung và sẽ ngủ ở bất cứ nơi nào đàn cừu dừng lại.
Tại địa điểm hiện tại, các nhà khảo cổ cũng khai quật được một cỗ xe ngựa bằng gỗ riêng biệt được bảo quản tốt và có một chiếc lọng bằng gỗ được trang trí công phu. Nó được cho là cỗ xe lâu đời nhất được biết đến của loại hình này.
Khu vực này có rất nhiều ngựa và xe ngựa dường như gắn liền với truyền thống chôn cất từ triều đại nhà Tần (221-206 trước Công nguyên). Có rất nhiều loại xe ngựa ở khu vực xung quanh và số lượng ngựa trên mỗi xe khác nhau giữa các địa điểm.
Phát hiện này sẽ cung cấp nguồn thông tin vô cùng giá trị cho các nhà khoa học nghiên cứu tập tục chôn cất cổ xưa của người Trung Quốc.
Ngôi mộ trên không thuộc về Tần Thủy Hoàng và các nhà khoa học hiện đang phân tích để xác định nó thuộc về ai.
Cỗ xe sáu con cừu không phải là hiện vật quý hiếm đầu tiên được phát hiện trong ngôi mộ đặc biệt này.
Vào năm 2020, các nhà nghiên cứu thông báo rằng họ đã tìm thấy một bức tượng lạc đà bằng bạc cổ ở chính địa điểm này. Đây là minh chứng sớm nhất được biết đến về vật trang trí lạc đà xuất hiện ở Trung Quốc. Hiện vật lạc đà rất quan trọng vì nó cho thấy Trung Quốc đã giao thương với Tây Á vào thời nhà Tần.
Các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện ra phòng chôn cất thực sự của Tần Thủy Hoàng tại lăng mộ ở Tây An.
"Đội quân đất nung" tại quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng. (Nguồn: Shutterstock)
Vào năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã tài trợ cho một dự án nhằm xác định xem liệu tia vũ trụ có thể được sử dụng để giúp các nhà khảo cổ xác định chính xác buồng bí mật lưu giữ hài cốt và bảo vật của Tần Thủy Hoàng hay không.
Theo nhà sử học đời Hán Tư Mã Thiên, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, được xây dựng bởi hàng trăm nghìn lao động trong gần 4 thập kỷ và hoàn thành vào khoảng năm 208 trước Công nguyên.
Lăng mộ nằm dưới một gò mộ cao 76 mét có hình dạng gần giống một kim tự tháp. Bố cục của nó mô phỏng theo kinh đô nhà Tần là Hàm Dương được chia thành các khu nội thành và ngoại thành.
Với tổng diện tích gấp 70 lần Tử Cấm Thành, đây là lăng mộ lớn nhất từng được xây dựng cho một cá nhân trên thế giới./.
Theo (Vietnam+) - 08/11/2023
https://www.vietnamplus.vn/khai-quat-co-xe-tinh-yeu-trong-quan-the-lang-mo-tan-thuy-hoang/906514.vnp