Cập nhật: 10/11/2023 14:48:00
Xem cỡ chữ

Nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhập viện và tử vong. Theo các nghiên cứu cho thấy, có hơn 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp tử vong trong vòng một giờ đầu trước khi được đưa đến bệnh viện.

Ai dễ mắc bệnh nhồi máu cơ tim?

Nhồi máu cơ tim là vấn đề thường gặp, các nhà nghiên cứu cho rằng tuổi cao thì yếu tố nguy cơ biến cố tim mạch tăng, hơn nửa số người bị đột quỵ có tuổi cao hơn 65 tuổi. Tuy nhiên, nếu ăn uống điều độ và sinh hoạt hợp lý có thể làm chậm lại quá trình thoái hóa do tuổi gây nên.

Nhồi máu cơ tim hay gặp ở nam cao hơn nữ, tuy nhiên nữ giới tuổi cao, sau mãn kinh cũng có nguy cơ cao như nam giới. Gia đình có người mắc bệnh động mạch vành sớm cũng có thể là yếu tố nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

Bên cạnh những đối tượng trên thì nhồi máu cơ tim còn hay gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp. Bởi bệnh tăng huyết áp được coi là kẻ giết người thầm lặng và là nguy cơ mạnh nhất gây các biến cố tim mạch.

Đối tượng dễ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, cần làm gì để ngăn ngừa? - Ảnh 1.

Nhồi máu cơ tim còn hay gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp

Những người mắc bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường type 2 có tỉ lệ mới mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn người bình thường. Những người đái tháo đường type 2 thường có nồng độ insulin trong máu cao và kèm theo tình trạng kháng insulin. Đái tháo đường và đề kháng insulin làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tăng lắng đọng cholesterol vào mảng xơ vữa động mạch, thúc đẩy quá trình xơ vữa và các biến chứng của nó.

Tình trạng rối loạn lipid máu, tăng cholesterol, tăng triglyceride máu cũng dễ mắc nhồi máu cơ tim. Bởi tăng hàm lượng các chất lipid trong máu rất thường gặp và là một trong những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được quan trọng bậc nhất của bệnh tim mạch.

Nếu thừa cân, béo phì càng nhiều thì khả năng xuất hiện các yếu tố tiền đề cho xơ vữa động mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường cũng như nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao.

Ngoài ra, người hút thuốc lá cũng có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim. Bởi hút thuốc là một yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, đột quy, bệnh mạch máu ngoại vi, các bệnh về phổi như ung thư phổi và các bệnh lý khác. Hãy không hút thuốc lá khi chưa hút và bỏ ngay nếu đang hút thuốc lá.

Người ít vận động cũng thuộc đối tượng có nguy cơ nhồi máu cơ tim. Bởi lối sống tĩnh tại được coi là nguy cơ của các nguy cơ tim mạch. Người ta chứng minh rằng việc tập luyện thể lực thường xuyên làm giảm nguy cơ xuất hiện nhồi máu cơ tim đồng thời nâng cao khả năng sống sót khi xảy ra nhồi máu cơ tim

Người uống nhiều bia rượu, người có tiền sử tiền sản giật hoặc đái tháo đường thai kỳ hoặc mắc bệnh thận mạn hoặc tiền căn bệnh tự miễn cũng có thể có nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Đối tượng dễ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, cần làm gì để ngăn ngừa? - Ảnh 2.

Lối sống khoa học với chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý sẽ giúp người bệnh nâng cao sức khỏe và giảm rủi ro nhồi máu cơ tim.

Điều chỉnh lối sống giúp ngăn ngừa nhồi máu cơ tim

Một lối sống khoa học với chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý sẽ giúp người bệnh nâng cao sức khỏe và giảm rủi ro nhồi máu cơ tim.

Cần hạn chế các loại chất béo có hại có nhiều trong mỡ, da, phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò, thịt dê), lòng đỏ trứng, tôm, thực phẩm đóng gói, đồ ăn nhanh và các thức ăn chế biến sẵn,...

Cần ăn giảm muối và tăng cường bổ sung chất xơ và các vitamin có nhiều trong rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt. Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cafe… Giảm cân, duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát được huyết áp, đường máu, mỡ máu.

Cần tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp tăng lưu thông máu qua tim, phát triển tuần hoàn bàng hệ mạch vành, giúp bệnh nhân cảm thấy tinh thần sảng khoái, giảm căng thẳng, mệt mỏi và ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim. Người bệnh nên tập luyện nhẹ nhàng với mức độ gắng sức vừa phải, tốt nhất là đi bộ hoặc đạp xe. Ngoài ra cần khám bệnh định kỳ để đánh giá mức độ nguy cơ của mỗi người.

Tóm lại, nhồi máu cơ tim là căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong và là một tình trạng cấp cứu. Nếu được chẩn đoán sớm sẽ giúp cứu sống vùng cơ tim bị thiếu máu nuôi kịp thời, đồng thời hạn chế những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng và biến chứng lâu dài sau này. Do đó, hãy đến ngay với bác sĩ chuyên khoa khi có những dấu hiệu bệnh lý để được điều trị.

 

Theo suckhoedoisong.vn - 10/11/2023

https://suckhoedoisong.vn/ai-de-bi-nhoi-mau-co-tim-can-lam-gi-de-ngan-ngua-169231108142002037.htm