Khi nghe người Thái ở Mai Châu giới thiệu về món cá hấp lá đu đủ, nhiều thực khách lắc đầu từ chối, sợ vị đắng ngắt, khó ăn của loại lá này.
Ẩm thực người dân tộc Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) nổi tiếng gần xa bởi sự đa dạng, hấp dẫn từ hình thức tới hương vị. Những món như: Cơm lam, gà/vịt nướng ống lam, bánh ốc, bánh gai, xôi nếp nương, gà nướng mắc khén, canh măng chua… xuất hiện khá phổ biến trong các quán ăn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng ở Hòa Bình và được thực khách ưa chuộng.
Tuy nhiên, có một món ngon khác của bà con người Thái mà không phải du khách nào cũng biết tới, đó là cá trắm đồ (hấp) lá đu đủ.
Món cá hấp lá đu đủ của người Thái ở Mai Châu (Ảnh: Toàn Vũ).
"Khi chúng tôi giới thiệu món cá hấp với lá đu đủ, nhiều thực khách lắc đầu từ chối. Họ cho rằng loại lá này rất đắng, chê không ngon, khó ăn, chỉ dùng làm thuốc", anh Trịnh Phúc Mãn, chủ một khu nghỉ dưỡng tại xã Xăm Khòe, Mai Châu, Hòa Bình cho biết.
Hình thức món ăn này thoạt nhìn cũng không hấp dẫn, trông giống như một chiếc bánh, gói sơ sài. Lớp lá bên ngoài không xanh rền đẹp mắt mà úa sẫm.
"Ban đầu thì khách chê nhưng sau khi thưởng thức, nhiều người bất ngờ vì món cá hấp lá đu đủ lại rất ngon, hợp vị, lạ miệng. Lá và hoa đu đủ đực rất đắng, nhưng chế biến đúng cách lại chỉ hơi ngăm ngăm, ăn xong có vị ngọt hậu. Đây là một trong những món được khách ưa thích nhất tại nhà hàng của tôi hiện nay", anh Mãn cho hay.
Những nguyên liệu để làm món cá trắm hấp lá đu đủ không khó tìm (Ảnh: Toàn Vũ).
Trong những ngày lễ, tết, nhất là lễ mừng cơm mới, mâm cơm người dân tộc Thái luôn có món cá trắm hấp lá đu đủ.
Nguyên liệu của món ăn này gồm: Cá trắm, thường chọn khúc phía thân trên, sát đầu để ít xương và bụng cá rộng; Lá đu đủ đực bánh tẻ; Một số loại rau thơm như húng chó, mùi, thì là, mùi tàu, hành lá; Sả, gừng, mắc khén, ớt, tiêu, hành khô.
Loại lá đu đủ được chọn làm món ăn là lá bánh tẻ, không quá non cũng không quá già. Cây đu đủ được trồng phổ biến trong các gia đình người Thái (Ảnh: Toàn Vũ).
Theo chị Lò Hương Giang, một người dân tộc Thái tại xã Xăm Khòe (Mai Châu, Hòa Bình), hiện đang là đầu bếp trong một khu nghỉ tại địa phương: Người dân thường chọn những con cá 2-3kg trở lên vì thịt ngon, ngọt, chắc. Cá được làm sạch, cắt thành từng khúc vừa để gói trong lá đu đủ.
Cá được tẩm ướp và nhồi vào bụng hỗn hợp nguyên liệu gừng, sả, ớt, hành khô, tiêu, lá đu đủ non và để khoảng hai tiếng cho ngấm (Ảnh: Toàn Vũ).
Sau khi sơ chế và tẩm ướp cá, đầu bếp dùng lá đu đủ bọc kín, thêm một lớp lá chuối rồi gói gọn như chiếc bánh chưng. "Công đoạn này phải làm thật khéo để nước cá không chảy ra ngoài khi hấp", chị Giang cho hay.
Thời gian hấp từ 1,5 đến 2 tiếng để cá chín đều, lá đu đủ mềm và thấm đều nước cá.
Khúc cá được gói khéo léo trong lớp lá đu đủ và lá chuối (Ảnh: Toàn Vũ).
Khi phục vụ khách, nhân viên sẽ mang nguyên gói cá bọc kín đặt lên bàn. Khi bóc lớp lá chuối và dùng đôi đũa nhẹ nhàng tách lớp vỏ lá đu đủ sang hai bên, thực khách sẽ thấy khúc cá dày thịt, thịt trắng tinh, bốc hơi nóng nghi ngút, mùi thơm ngai ngái, ngậy ngậy tỏa ra, xộc vào mũi.
Đưa miếng cá lên miệng, thực khách sẽ cảm nhận thấy vị ngăm ngăm đắng nhẹ của lá đu đủ, ngấm vào thịt cá ngọt lịm, thấm đẫm gia vị như hạt tiêu, ớt. Miếng cá có vị ngọt hậu, không đắng ngắt, "đáng sợ" như nhiều người nghĩ.
Chị Giang cho biết, lá đu đủ cũng là một vị thuốc dân gian của người Thái nên sự kết hợp với cá trắm tạo nên món ăn không chỉ hấp dẫn và còn tốt cho sức khỏe (Ảnh: Toàn Vũ).
Theo Đông y, lá đu đủ có tính hàn, vị hơi đắng, có mùi hắc, có công dụng giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan, bổ tì và nhuận tràng. Loại lá này được ví như "thần dược".
Theo dantri.com.vn - 15/11/2023
https://dantri.com.vn/du-lich/ca-tram-hap-thu-la-than-duoc-dang-ngat-khach-moi-thay-thi-che-thu-thi-me-20231114092651649.htm