Cập nhật: 18/11/2023 09:45:00
Xem cỡ chữ

Viêm họng, đau họng xuất hiện nhiều hơn khi thời tiết giao mùa, trở lạnh. 6 cách phòng ngừa sau sẽ giúp bạn bởi nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển thành mạn tính và có thể gây nhiều biến chứng.

Viêm họng dạng cấp tính có thời gian bộc phát nhanh chỉ trong khoảng thời gian ngắn, đặc biệt là thời điểm chuyển mùa khi thời tiết thay đổi thất thường hay khi trời trở lạnh.

Bệnh viêm họng là tình trạng mà cổ họng và hầu bị viêm do vi khuẩn hoặc virus gây ra, khiến cho cổ họng đau rát, khó chịu.

Bệnh viêm họng là tình trạng mà cổ họng và hầu bị viêm do vi khuẩn hoặc virus gây ra, khiến cho cổ họng đau rát, khó chịu.

Nguyên nhân gây bệnh viêm họng

Viêm họng cấp là bệnh rất phổ biến và hầu như ai cũng đã từng mắc phải, thậm chí có người bệnh đã trở thành mãn tính, gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Viêm họng xuất hiện ở người viêm amidan, viêm họng VA... do vi khuẩn liên cầu, phế cầu hoặc một số loại vi khuẩn khác khu trú sẵn trong họng. Virus cảm cúm, sởi cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm họng cấp. Bệnh thường xuất hiện sau khi tắm ở nơi có gió lùa, tắm không lau khô người mà mặc quần áo ngay. 

Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất hiện khi đang ở trong nóng mà chuyển sang ngồi phòng máy lạnh hay khi gặp thời tiết thay đổi thất thường, lúc giao mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại…

Khi bị viêm họng, người bệnh có biểu hiện sốt cao từ 39 đến 40 độ C. Họng có cảm giác rát buốt, đau khi nuốt, nói hoặc ho.Ngoài ra có thể bị tắc mũi, chảy nước mũi, khàn giọng hoặc ho khan, amidan viêm to, hạch cổ sưng có khi có bựa trắng như nước cháo phủ ngoài bề mặt.

Nếu để kéo dài từ 7 đến 10 ngày, bệnh viêm họng cấp có thể gây ra các biến chứng như viêm tai, viêm amidan, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản...

Các biện pháp phòng ngừa đau, viêm họng

Tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh

Quá trình giao tiếp sẽ khiến các giọt bắn nước bọt hay dịch tiết mũi bay trong không khí. Gặp người có biểu hiện viêm họng, bạn cần giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc, ho, hắt hơi, trước và sau khi ăn để phòng bệnh.

Giữ ấm cơ thể và cổ họng

Thời điểm giao mùa từ nóng sang lạnh khiến niêm mạc cổ họng trở nên yếu ớt, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công. Để phòng ngừa, bạn nên tắm bằng nước ấm ở phòng kín, tránh gió lùa, lau khô người ngay sau khi tắm. Đêm ngủ cần đóng kín cửa, tránh gió lạnh vào phòng. Tránh để điều hòa hoặc quạt gió phả thẳng vào người. Khi nhiệt độ xuống thấp, bạn nên giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, cổ, đầu.

Dành 30 phút mỗi ngày để tập luyện, tăng đề kháng và cải thiện sức khỏe.

Giữ vệ sinh môi trường sống

Môi trường sống nhiều bụi bẩn và mất vệ sinh là điều kiện tốt cho vi khuẩn, virus sinh sôi. Để phòng bệnh, bạn cần giữ không gian nhà cửa thông thoáng. Thường xuyên lau dọn các vật dụng như bàn phím, điện thoại, điều khiển... Khi đi du lịch, bạn nên sát trùng các đồ vật như điều khiển tivi và điều hòa.

Vệ sinh răng miệng và cổ họng hằng ngày

Trong khoang miệng con người chứa khoảng 700 loại vi khuẩn. Đây là tác nhân gây các bệnh về hô hấp, viêm họng và viêm amidan. Ngoài ra, sau một ngày ăn uống, miệng và cổ họng tích tụ nhiều mảng bám. Nếu không vệ sinh sạch sẽ khoang miệng, các mảng bám lâu ngày sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, tấn công răng miệng và cổ họng gây viêm.

Cần đánh răng hai lần mỗi ngày, ít nhất hai phút mỗi lần, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Thay bàn chải đánh răng theo chu kỳ ba tháng. Vệ sinh miệng và cổ họng bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn miệng vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.

Thời điểm giao mùa từ nóng sang lạnh khiến niêm mạc cổ họng trở nên yếu ớt, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công. Ảnh minh họa

Thời điểm giao mùa từ nóng sang lạnh khiến niêm mạc cổ họng trở nên yếu ớt, dễ bị virus, vi khuẩn tấn công. Ảnh minh họa

Cần có chế độ dinh dưỡng khoa học

Đối với người thường xuyên bị viêm họng, cần cẩn trọng hơn trong sinh hoạt để tránh bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Tránh ăn đồ ăn cứng, đồ ngọt, đồ lạnh, cay . Uống nước ấm. Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối các nhóm dưỡng chất như: tinh bột, chất béo, chất đạm và rau, củ, quả; Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất.

Nên hạn chế thực phẩm cứng, đồ ngọt, đồ lạnh hay đồ cay nóng gây hại niêm mạc họng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Hạn chế các chất kích thích, thuốc lá, rượu, bia gây suy giảm miễn dịch. nên dùng thức ăn mềm, dễ nuốt, ăn thêm rau và trái cây, nghỉ ngơi nhiều hơn, giữ ấm cơ thể, tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, vệ sinh cơ thể sạch sẽ và giữ khoảng cách với người khác, tránh gây lây nhiễm bệnh.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Khi có biểu hiện mắc các bệnh viêm mũi, viêm amidan, viêm xoang. cần đến cơ sở y tế và điều trị sớm. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tại nhà, đặc biệt là kháng sinh.

Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ phát hiện các nguyên nhân gây viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản, viêm xoang, để có hướng điều trị phù hợp. Tiêm vaccine phòng chống các loại bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Theo suckhoedoisong.vn - 18/11/2023

https://suckhoedoisong.vn/6-cach-phong-ngua-viem-hong-dau-hong-khi-troi-lanh-169231117144752054.htm