Sau 3 năm thực thi Nghị định 132 của Chính phủ, doanh nghiệp phản ánh Nghị định 132 đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một trong những quy định đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó đó là quy định khống chế mức trần của tổng chi phí lãi vay ở mức 30%.
Sau 3 năm thực thi Nghị định 132 của Chính phủ, doanh nghiệp phản ánh Nghị định 132 đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một trong những quy định đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó đó là quy định khống chế mức trần của tổng chi phí lãi vay ở mức 30%.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia, tổng chi phí lãi vay 30% là mức khống chế ở các nước phát triển, việc áp dụng mức này không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam- một nền kinh tế đang phát triển với hầu hết các doanh nghiệp đều có vốn mỏng, đang trong giai đoạn khởi nghiệp và cần phải sử dụng nhiều vốn vay. Vì vậy, việc sửa Nghị định 132 theo hướng “bỏ trần” 30% tổng chi phí lãi vay đang được xem xét, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghị định 132 quy định, tổng chi phí lãi vay không được vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, và khấu hao trong kỳ. Hiểu một cách đơn giản hơn, nếu như tổng chi phí lãi vay của doanh nghiệp quá mức trần 30% thì sẽ không được tính là chi phí hợp lý để khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định khống chế chi phí lãi vay trong trường hợp vay vốn ngân hàng (Ảnh minh hoạ: KT)
Doanh nghiệp sẽ phải trả thuế cho cả phần lãi vay này, nếu tổng chi phí lãi vay quá 30%. Theo các doanh nghiệp, việc nâng mức trần lên 30% đã khiến doanh nghiệp "dễ thở" hơn so với Nghị định 20 trước đây- quy định trần 20% nhưng vẫn chưa thực sự trút bỏ được "gánh nặng" bấy lâu nay.
Ông Đinh Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sản xuất đầu tư Hoàng Gia, cho biết: Công ty đang rót vốn vào một công ty con để sản xuất nguyên vật liệu xây dựng theo tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường, do vậy cần vốn lớn. Tuy nhiên, việc đầu tư vào công ty con đã khiến doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết và bị áp trần chi phí lãi vay của Nghị định 132. Vậy nên, khi doanh nghiệp đi vay quá mức trần 30% hàng tháng không được tính là chi phí hợp lý để khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ông Đinh Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sản xuất đầu tư Hoàng Gia nêu thực tế: “Ngân hàng cũng muốn cho vay, chúng tôi cũng muốn vay nhưng đối với chính sách như thế này thì chúng tôi càng vay thì càng phát sinh thua lỗ và thậm chí thua lỗ cũng phải nộp thuế cho nhà nước. Điều này là điều làm cho doanh nghiệp chúng tôi hết sức băn khoăn”.
Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, việc sửa đổi Nghị định 132 thời điểm hiện tại là vô vùng cần thiết, bởi các quy định về quản lý thuế tại nghị định đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tế. Trong đó, việc khống chế chi phí lãi vay chỉ ở mức 30% đang “bó chân” các doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển, nhất là doanh nghiệp bất động sản cần vốn nhiều.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đề xuất: “Hiện nay với quy định mức trần tối đa 30% thì có nghĩa là một phần chi phí tài chính một phần chi phí lãi vay mà vượt qua mức 30% thì không tính vào trong năm tài chính đó, thì nó làm cho bức tranh tài chính của chính doanh nghiệp đó là không thực, không đầy đủ. Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 105 của Chính phủ ban hành ngày 5/7/2023 để đề xuất với Chính phủ sửa đổi Nghị định 132 ngay trong quý tư năm 2023 và để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh sau giai đoạn chịu tác động của đại dịch Covid-19”.
Một số chuyên gia đề xuất cho rằng, dự thảo sửa đổi Nghị định 132 cần loại trừ tất cả chi phí lãi vay mà hợp lý, hợp lệ cho doanh nghiệp trong nước. Bởi Nghị định 132 nhằm mục đích chống chuyển giá, trốn thuế, phù hợp để quản lý các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia. Các doanh nghiệp FDI có thể chuyển lợi nhuận sang các nước, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn để trốn thuế. Còn doanh nghiệp trong nước, dù có phát sinh giao dịch liên kết, vay vốn nội bộ lẫn nhau thì cũng khó chuyển giá, trốn thuế, nhất là khi có cùng mức thuế suất.
Luật sư Trương Thanh Đức- Giám đốc Công ty Luật Anvi phân tích: “Với khoản đi vay thì vay ngân hàng hay đâu đó là khoản vay cần thiết, chính đáng, là hợp pháp, hợp lệ, là chi phí thật, là khoản chi thật, nhưng giờ lại không được tính vào chi phí. Giả sử tính vào đầu này có giảm đi thì giá thành hoặc là đầu khác nộp thuế tăng lên. Cần phải xem lại Nghị định này, thậm chí bỏ hoàn toàn với doanh nghiệp Việt Nam, chỉ áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài. Đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu vào của doanh nghiệp này là đầu ra của doanh nghiệp khác và chi phí huy động vay vốn là hoàn toàn thật hợp lý, hợp lệ”.
Các chuyên gia, đại diện Hiệp hội cũng cho rằng đối với một số doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá, ngành thuế hoàn toàn có công cụ để thanh tra, kiểm tra và xử lý. Không thể chỉ vì một số doanh nghiệp sai phạm mà kìm hãm nhu cầu vay vốn chính đáng của tất cả doanh nghiệp còn lại. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp để các chính sách có sự đồng bộ, tránh việc sửa đi sửa lại nhiều lần.
Hiện nay các doanh nghiệp đang rất mong chờ Bộ Tài chính sớm sửa đổi Nghị định 132 về quản lý thuế với các giao dịch liên kết, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp lỗ vẫn phải đóng thuế, khiến doanh nghiệp ngại ngần trong việc vay vốn mở rộng quy mô sản xuất.
Theo Phạm Hạnh/VOV1 – 20/11/2023
https://vov.vn/kinh-te/de-xuat-khong-ap-tran-chi-phi-lai-vay-30-voi-doanh-nghiep-vay-von-ngan-hang-post1060221.vov