Cập nhật: 26/11/2023 13:17:00
Xem cỡ chữ

Thay đổi thời tiết khi giao mùa là một trong những nguyên nhân gây ra viêm đường hô hấp trên. Tình trạng sổ mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt, ho… thường hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, gây cảm giác khó chịu kéo dài, khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Tình trạng sổ mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt, ho... là biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp trên, thường hay gặp ở trẻ, bệnh dễ điều trị nhưng lại hay tái phát. Vì vậy, cha mẹ cần có kiến thức để chăm sóc con đúng cách.

Trẻ chảy nước mũi, sốt, ho… do viêm đường hô hấp trên dễ tái phát vì sao?

Đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản... là những cơ quan tiếp xúc trực tiếp với không khí, hầu như mọi điều kiện bất lợi của môi trường đều dẫn đến tình trạng viêm đường hô hấp trên.

Bởi vậy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ mắc viêm nhiễm đường hô hấp trên. Khi đó trẻ sẽ có biểu hiện chảy nước mũi, ho, khò khè... thậm chí là sốt.

Nhiều cha mẹ than phiền trẻ hay tái phát viêm nhiễm đường hô hấp trên, cứ đỡ chảy nước mũi, sốt, ho… được vài hôm thì lại tái phát.

Thực tế cho thấy trẻ dễ bị viêm đường hô hấp trên do nhiều nguyên nhân, trong đó hay gặp là do thời tiết và môi trường khiến virus, vi khuẩn phát triển, có thể kể đến các loại như virus Rhino, Corona, Adeno, virus cúm Parainfluenza, virus hô hấp hợp bào RSV… Vi khuẩn liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus Influenzae, một số loại nấm…

Các yếu tố thuận lợi là trẻ nhỏ sức đề kháng còn non nớt, nên rất dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên. Tuổi càng nhỏ càng dễ mắc bệnh, dưới 1 tuổi, đặc biệt dưới 2 tháng tuổi rất dễ mắc bệnh. Ngoài ra, trẻ sinh non, trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, trẻ có suy giảm miễn dịch như: Mắc bệnh HIV, điều trị Corticoit kéo dài… sẽ dễ mắc bệnh hơn.

Các ghi nhận còn cho thấy tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp trên dễ xảy ra và tái phát ở trẻ sống trong môi trường đông đúc, nhà ở chật hẹp, ẩm thấp, tiếp xúc với khói (bếp, thuốc lá, than tổ ong…), vệ sinh kém…

Giao mùa trẻ chảy nước mũi, sốt, ho…cha mẹ cần biết cách chăm sóc đúng này- Ảnh 2.

Viêm đường hô hấp trên là bệnh khá phổ biến, thường hay gặp ở trẻ. Ảnh minh hoạ.

Cần làm gì khi trẻ mắc viêm đường hô hấp trên?

Khi trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp trên là chảy nước mũi, ho, sốt, khò khè... cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám.

Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị. Nguyên tắc là điều trị triệu chứng, các thuốc có thể được kê đơn bao gồm: Thuốc giảm ho, long đờm dạng siro, thuốc khí dung… Điều trị giảm đau, hạ sốt, chống viêm… Dùng thuốc theo tình trạng bệnh của trẻ và phải có chỉ định bác sĩ.

Nếu viêm đường hô hấp trên do virus thì chủ yếu là điều trị triệu chứng, nếu đã xác định rõ được nguyên nhân do vi khuẩn, có thể dùng kháng sinh, kháng viêm… Tuy nhiên, cha mẹ cần phải theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách, bằng việc vệ sinh mũi sạch sẽ, giúp thông thoáng đường thở cho trẻ. Dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ bú đủ để tăng sức đề kháng. Tạo môi trường sống trong lành, sạch sẽ… cụ thể:

Nếu trẻ chảy nhiều nước mũi, có thể quánh dính dẫn đến nghẹt mũi, tắc mũi (do tăng tiết nhiều ở đường hô hấp trên)… Cha mẹ cần làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng cách dùng khăn mềm, khô (tốt nhất dùng khăn giấy mềm) để không gây kích thích nhiều ở mũi, dẫn đến đau mũi, đỏ mũi do lau quá nhiều lần.

Dùng nước muối 9‰ nhỏ vào từng bên mũi của trẻ, để làm loãng dịch mũi, sau đó loại bỏ dịch mũi bằng dụng cụ hút mũi, sau đó dùng tăm bông khô sạch ngoáy mũi lại. Làm thông mũi cho trẻ trước khi ăn hoặc bú nếu dịch quánh dính nhiều, để giúp trẻ tránh bị nôn.

Chú ý: Cha mẹ không dùng miệng hút mũi cho trẻ, vì miệng người lớn có nhiều vi khuẩn dễ lây cho trẻ. Tránh lạm dụng nước muối quá nhiều để hút mũi, vì sẽ gây teo niêm mạc mũi của trẻ.

Tuyệt đối không sử dụng nước ép tỏi nhỏ vào mũi cho trẻ, vì tỏi có vị cay, dễ gây bỏng niêm mạc của trẻ.

Trong thời gian trẻ mắc viêm nhiễm đường hô hấp trên, cha mẹ cần đặt trẻ nằm cao đầu hoặc bế trẻ theo tư thế thẳng. Giữ ấm cơ thể trẻ nếu là mùa đông, mùa hè không cần mặc áo quá dày, chỉ cần tránh cho trẻ nằm ngay trước luồng quạt máy hoặc dưới luồng gió của điều hòa tỏa ra (nhiệt độ phòng chấp nhận được là > 25 độ C)

- Nếu trẻ sốt do viêm đường hô hấp trên, cha mẹ cần đo nhiệt độ cho trẻ, nếu trẻ sốt từ 37,5 đến dưới 38,5 độ C cần cho trẻ nằm phòng thoáng mát, mặc áo quần mỏng, không bó sát.

Cho trẻ uống nhiều nước, lau mát cho trẻ bằng nước ấm (37 độ C) dùng khăn mềm sạch lau ở trán, nách bẹn. Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ.

- Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ cần tiếp tục dùng nước ấm 37 độ C lau cho trẻ. Cần cho trẻ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giảm sốt. Thông thường cho trẻ dùng Paracetamol (Efferagan) loại uống hoặc viên đặt hậu môn với liều 10 - 15mg/kg/lần, có thể lặp lại sau 4 - 6h nếu nhiệt độ vẫn trên 38,5 độ C.

Nếu dùng thuốc hạ sốt mà trẻ vẫn sốt cao, có thể cho trẻ tắm nước ấm (làm ướt đầu) để hạ nhiệt độ nhanh, tránh co giật. Nhớ kiểm tra nhiệt độ cho trẻ thường xuyên (30 phút – 1 giờ/lần)… trong trường hợp trẻ sốt liên tục, ít đáp ứng với thuốc hạ sốt cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Khi trẻ viêm đường hô hấp rất dễ bị ho, ho trong viêm đường hô hấp trên có thể do tình trạng tăng tiết nhiều đờm dãi hoặc co thắt đường hô hấp trên, vì vậy tùy theo cơ chế để sử dụng thuốc cho trẻ, không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Cần cho trẻ nhập viện ngay khi trẻ không uống được hoặc bỏ bú. Trẻ có biểu hiện của bệnh nặng hơn, trẻ khó thở, thở nhanh hơn (trên 50 lần/1 phút), rút lõm lồng ngực…là những biểu hiện của viêm phổi, một trong những biến chứng nguy hiểm của viêm đường hô hấp trên. Trẻ sốt cao liên tục 3 - 5 ngày.

Theo suckhoedoisong.vn - 26/11/2023

https://suckhoedoisong.vn/giao-mua-tre-chay-nuoc-mui-sot-hocha-me-can-biet-cach-cham-soc-dung-nay-169231124144818882.htm