Thời điểm triển khai sứ mệnh MMX phụ thuộc nhiều vào kết quả vụ phóng tên lửa đẩy H3 lần thứ 2 sau các biện pháp cải tiến khắc phục những lỗi khiến vụ phóng đầu tiên thất bại hồi tháng 3 năm nay.
Nhật Bản có thể sẽ phải hoãn việc phóng tàu thăm dò vệ tinh Phobos, được coi như mặt trăng của Sao Hỏa, sang năm 2026 do các vấn đề liên quan tên lửa đẩy H3 thế hệ mới nhất của nước này.
Điều này có thể ảnh hưởng tới cuộc đua giữa Nhật Bản với Mỹ, châu Âu và Trung Quốc giành vị thế quốc gia đầu tiên thám hiểm mặt trăng của Sao Hỏa.
Hãng tin Kyodo dẫn một nguồn thạo tin về dự án Thám hiểm Mặt Trăng Sao Hỏa (MMX) của Nhật Bản cho biết theo kế hoạch ban đầu, tàu thăm dò dự kiến được phóng vào tháng 9/2024 và đến hệ thống Sao Hỏa vào khoảng tháng 8/2025 trước khi hạ cánh xuống Phobos để thu thập vật mẫu trên bề mặt và quay trở lại Trái Đất vào khoảng năm 2029.
Nhật Bản dự định phát những trực tiếp hình ảnh chi tiết hoạt động con tàu trên hệ thống Sao Hỏa đến địa điểm tổ chức Triển lãm Thế giới (Expo) năm 2025 ở thành phố Osaka, đánh dấu quốc gia đầu tiên thăm dò bề mặt vệ tinh Sao Hỏa.
Do tính chất thay đổi liên tục khoảng cách giữa Sao Hỏa và Trái Đất, thời gian thích hợp để phóng tàu thăm dò là khoảng tháng 9/2024.
Nếu không thể thực hiện vào tháng 9/2024 thì thời điểm phù hợp tiếp theo sẽ vào năm 2026. Tuy nhiên, lịch trình này có thể tiếp tục bị cản trở do phải dành ưu tiên cho các vụ phóng khác quan trọng hơn.
Theo nguồn tin, thời điểm triển khai sứ mệnh MMX còn phụ thuộc nhiều vào kết quả vụ phóng tên lửa đẩy H3 lần thứ 2, dự kiến tiến hành vào tháng 3/2024 sau các điều chỉnh cần thiết về tải trọng và trang bị các biện pháp cải tiến khắc phục những lỗi khiến vụ phóng đầu tiên thất bại hồi tháng 3 năm nay.
Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cũng cân nhắc sử dụng tên lửa của công ty SpaceX (Mỹ) thay cho H3. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng không thể thực hiện được trước thời hạn năm 2024.
Do đó, nhiều khả năng kế hoạch ghi dấu ấn phát triển ngành hàng không vũ trụ của Nhật Bản tại Expo 2025 sẽ không được thực hiện.
Phobos là vệ tinh tự nhiên, được cho là đã tích lũy đá có nguồn gốc từ sao Hỏa. Do đó, giới khoa học kỳ vọng kết quả phân tích mẫu vật thu thập từ bề mặt của Phobos sẽ giúp làm sáng tỏ quá trình hình thành và phát triển của hệ thống Sao Hỏa.
Ngoài Phobos, mặt trăng còn lại của Sao Hỏa có tên là Deimos, với đường kính lần lượt 22km và 12,4km./.
Theo (TTXVN/Vietnam+) - 04/12/2023
https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-gap-tro-ngai-trong-tham-vong-tham-hiem-ve-tinh-cua-sao-hoa-post911633.vnp