Cập nhật: 07/12/2023 07:54:00
Xem cỡ chữ

Một nhóm nhà khoa học quốc tế mới đây cho biết 2 mẫu hóa thạch có niên đại cách đây 130 triệu năm cho thấy muỗi đực từ thời cổ đại đã có khả năng hút máu nhưng muỗi đực hiện tại thì không.

Hình ảnh do Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cung cấp cho thấy mẫu hóa thạch của một con muỗi đực cổ đại. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hình ảnh do Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cung cấp cho thấy mẫu hóa thạch của một con muỗi đực cổ đại. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hàng trăm nghìn người trên thế giới thiệt mạng hàng năm do bệnh sốt rét và các bệnh khác lây lan do bị muỗi đốt - loài côn trùng có từ thời khủng long từng sinh sống trên Trái Đất.

Tất cả những vết đốt này là do muỗi cái gây ra, bởi chúng có cấu tạo miệng đặc biệt mà giống đực ngày nay không có.

Tuy nhiên, một nhóm nhà khoa học quốc tế mới đây cho biết 2 mẫu hóa thạch có niên đại cách đây 130 triệu năm lại cho thấy muỗi đực từ thời cổ đại đã có khả năng hút máu.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã phát hiện ra hóa thạch muỗi lâu đời nhất được biết đến - 2 mẫu hóa thạch muỗi đực trong hổ phách có niên đại cách đây 130 triệu năm vào Kỷ Phấn trắng. Hai mẫu hóa thạch này được tìm thấy gần thị trấn Hammana ở Liban.

Giải phẫu cho kết quả hiển thị vô cùng sắc nét và các nhà khoa học bất ngờ nhận thấy muỗi đực có cấu trúc hàm hình tam giác, thon dài và có khả năng hút. Cấu trúc phần miệng này là đặc điểm vốn chỉ được ghi nhận ở muỗi cái ngày nay.

Nhà cổ sinh vật học Dany Azar thuộc Viện Khoa học Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh Trung Quốc và Đại học Lebanon, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology, cho biết: “Rõ ràng chúng là loài hút máu." “Vì vậy đây là một phát hiện quan trọng trong lịch sử tiến hóa của loài muỗi.”

Hai hóa thạch muỗi, đều đại diện cho cùng một loài đã tuyệt chủng, có kích thước và hình dáng tương tự như muỗi hiện đại, mặc dù phần miệng dùng để hút máu ngắn hơn so với muỗi cái ngày nay.

Azar cho biết: “Muỗi là loài hút máu khét tiếng nhất đối với con người và hầu hết các động vật có xương sống trên cạn, đồng thời chúng truyền một số ký sinh trùng và bệnh tật cho vật chủ của chúng.”

Azar cho biết thêm: "Chỉ những con muỗi cái được thụ tinh mới hút máu vì chúng cần protein để trứng phát triển. Con đực và con cái không được thụ tinh sẽ ăn một ít mật hoa từ thực vật. Và một số con đực thậm chí không cần ăn."

Một số loài côn trùng bay - ví dụ như ruồi xê xê - có con đực hút máu. Nhưng không phải muỗi hiện đại.

Đồng tác giả nghiên cứu, nhà cổ sinh vật học André Nel của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Paris (Pháp) cho biết việc phát hiện hóa thạch muỗi đực hút máu ở kỷ Phấn trắng là một điều bất ngờ.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ nghi ngờ rằng muỗi tiến hóa từ côn trùng không hút máu. Họ đưa ra giả thuyết rằng phần miệng của muỗi đã thích nghi để hút máu ban đầu được sử dụng để đâm vào cây, hút các chất lỏng dinh dưỡng.

Sự tiến hóa của thực vật có thể đóng một vai trò trong sự khác biệt về cách kiếm ăn giữa muỗi đực và muỗi cái. Vào thời điểm hai con muỗi này bị mắc kẹt trong nhựa cây và cuối cùng trở thành hổ phách, các loài thực vật có hoa lần đầu tiên bắt đầu nở rộ ở Kỷ Phấn trắng.

Azar cho biết: “Ở tất cả các loài côn trùng hút máu, chúng tôi tin rằng quá trình hút máu là một sự chuyển đổi từ hút chất lỏng thực vật sang hút máu.”

ttxvn-muoi-2-8187.jpg

Hình ảnh chụp qua kính hiển vi do Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cung cấp cho thấy phần miệng của một con muỗi đực. (Ảnh: THX/TTXVN)

Azar cho biết thêm thực tế là những con muỗi được biết đến sớm nhất này là những con muỗi đực hút máu, "có nghĩa là ban đầu những con muỗi đầu tiên đều là loài hút máu - bất kể chúng là con đực hay con cái - và khả năng hút máu sau đó đã biến mất ở con đực, có thể do sự xuất hiện của các loài thực vật có hoa cùng thời với sự hình thành của hổ phách Lebanon."

Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù đây là những hóa thạch lâu đời nhất nhưng muỗi có thể có nguồn gốc từ hàng triệu năm trước. Họ lưu ý rằng bằng chứng phân tử cho thấy muỗi xuất hiện trong Kỷ Jura, kéo dài từ khoảng 200 triệu đến 145 triệu năm trước.

Có hơn 3.500 loài muỗi trên toàn thế giới, được tìm thấy ở khắp mọi nơi ngoại trừ Nam Cực. Một số trở thành vật truyền bệnh truyền bệnh sốt rét, sốt vàng da, sốt virus zika, sốt xuất huyết và các bệnh khác.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hơn 400.000 người tử vong hàng năm do sốt rét, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi.

“Mặt khác, muỗi giúp lọc sạch nước ở ao, hồ, sông," Nel nói./.

Theo (Vietnam+) - 07/12/2023

https://www.vietnamplus.vn/hoa-thach-cua-muoi-lau-doi-nhat-tiet-lo-mot-bi-mat-bat-ngo-post912067.vnp