Cập nhật: 17/12/2023 09:00:00
Xem cỡ chữ

Trồng, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích, không chỉ tiết kiệm cây giống, chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh hại và hạn chế suy thoái đất rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Từ lợi ích kép đó, ngành Lâm nghiệp Vĩnh Phúc đang tích cực khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng cây gỗ lớn.

Trước đây khu rừng thuộc xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên của hộ ông Hoàng Quốc Vượng trồng bạch đàn. Sau 3-5 năm tiến hành khai thác, cho thu hoạch sớm nhưng lợi nhuận không cao, đất đai bị sói mòn, khô cứng. Từ khi chuyển đổi sang trồng cây gỗ keo, dù chưa đến tuổi thu hoạch, xong ông Vượng đã có thể nhận thấy nhiều lợi ích từ việc chuyển đổi này.

Trong bối cảnh quỹ đất dành cho phát triển lâm nghiệp khó mở rộng, việc tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn được đánh giá là lợi ích kép vừa mang lại thu nhập cho người dân vừa bảo vệ môi trường bền vững và chống biến đổi khí hậu. Theo tính toán của ngành Kiểm lâm, trồng rừng gỗ nhỏ thường sau 5-7 năm đã được khai thác, năng suất đạt 65-70m3/ha giá trị đạt khoảng 32-35 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế chưa cao. Việc trồng cây gỗ lớn sau 10-12 năm khai thác, năng suất đạt khoảng 180-200m3/ha, giá trị từ 120 đến 150 trệu đồng/ ha.

Mặt khác, việc trồng rừng gỗ nhỏ cũng đòi hỏi phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc ban đầu và có nguy cơ cháy rừng cao hơn so với rừng gỗ lớn. Rừng gỗ lớn có khả năng hấp thụ nhiều cacbon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, với thời gian trồng10 năm trở lên, đất đai sẽ được cải tạo, tầng đất mặt sẽ tốt hơn, đảm bảo ổn định sinh thái, ổn định nguồn nước ngầm, cải tạo được điều kiện khí hậu.

Nhằm nâng cao năng suất, thu nhập từ rừng cũng như góp phần vào công tác bảo vệ đất, tạo màu xanh cho rừng, những năm qua, Chi cục Kiểm Lâm Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ trồng rừng chuyển dần từ trồng cây gỗ nhỏ sang trồng cây gỗ lớn như cây keo, cây gỗ mỡ, trám… Từ các mô hình trồng rừng gỗ lớn sẽ góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị sản xuất, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

Hà Giang