Cột cờ Lũng Pô được xác định là công trình thanh niên, vừa khẳng định chủ quyền của Tổ quốc nơi biên ải, vừa giáo dục thế hệ trẻ truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Lũng Pô là tên một dòng suối của huyện Bát Xát (thuộc địa phận xã A Mú Sung), chia đường phân thủy 2 nước Việt-Trung.
Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Ngay từ thuở thực dân Pháp xâm lược nước ta, sau khi chiếm đóng và bình định được các tỉnh đồng bằng thì chúng tiếp tục đưa quân lên đánh chiếm vùng miền núi.
Năm 1886, tàu chiến Pháp được trang bị đại bác và được các nhà buôn dẫn đường ngược sông Hồng lên đánh chiếm Lào Cai và gặp phải sự chống cự của Nhân dân các dân tộc, lực lượng dòng họ Thào đã phục kích và tiêu diệt địch tại Trịnh Tường tạo nên thác Tây mà hiện nay người dân vẫn còn tự hào.
Tám năm sau, tại Lũng Pô nghĩa quân đã phục kích một đoàn quân Pháp và tiêu diệt nhiều tên.
Để tưởng nhớ chiến công đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lào Cai đã đề xuất xây dựng công trình thanh niên “Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” tại cột mốc 92 với kinh phí từ nguồn xã hội hóa.
Đây được xác định là công trình thanh niên, vừa khẳng định chủ quyền của Tổ quốc nơi biên ải, vừa giáo dục thế hệ trẻ truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Đây cũng là công trình chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Đại hội Đoàn thanh niên cộng sản lần thứ XI.
Cột cờ Lũng Pô đứng hiên ngang ở biên giới Tổ quốc. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai)
Công trình "Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/2016 và hoàn thành ngày 16/12/2017.
Công trình được xây dựng trên diện tích 2.100m2 và chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thi công xây dựng phần Cột cờ chính có chiều cao 31,43m tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m.
Tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Pô, lá cờ có diện tích 25m2 có ý nghĩa tượng trưng cho 25 dân tộc anh em ở Lào Cai.
Đường dẫn lên đỉnh cột cờ được thiết kế với 125 bậc hình xoắn ốc.
Giai đoạn 2 hoàn thiện phần ngoại cảnh gồm các hạng mục sân cỏ, bãi đỗ xe và kè đá hộc, tường rào bao quanh cột cờ. Tổng kinh phí xây dựng công trình trên 17 tỷ đồng bằng 100% nguồn vốn xã hội hóa.
Công trình thanh niên này được xây dựng đã trở thành biểu tượng của ý chí, tinh thần xung kích tình nguyện và sự quyết tâm của tuổi trẻ Lào Cai tham gia xây dựng quê hương, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, công trình góp phần khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, giáo dục chính trị, tư tưởng, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Cùng với đó, công trình sẽ góp phần tạo nên hình ảnh mới về quê hương Lào Cai anh hùng, góp phần phát triển du lịch ở địa phương.
Hiện, tỉnh Lào Cai có 35 khu, điểm du lịch, trong đó có Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa. Để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách trong dịp đầu Xuân gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tại địa phương, 119 hoạt động văn hóa, thể thao và lễ hội đã và đang diễn ra (trong đó có 48 lễ hội và 71 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao).
Khách tham quan đỉnh Fansipan, nơi được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương" với độ cao 3.143m. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Tỉnh Lào Cai đã rà soát toàn bộ tài nguyên về du lịch và xây dựng khung chiến lược phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2050, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ ngắn hạn và dài hạn.
Lào Cai triển khai 6 nội dung chính là đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, kết nối Khu du lịch Quốc gia sang phân khu Y Tý (Bát Xát); phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành phục vụ du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch và xây dựng quy hoạch, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển du lịch.
Đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu đón 10 triệu lượt khách trở lên. Tổng thu từ khách du lịch đạt 44.750 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 22-23%; tạo ra khoảng 40.000-42.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2030, du lịch Lào Cai là ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo quan trọng, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, cạnh tranh được với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực, đáp ứng các tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế./.
Theo (Vietnam+) - 05/12/2023
https://www.vietnamplus.vn/cot-co-lung-po-noi-con-song-hong-chay-vao-dat-viet-post915496.vnp