Những năm qua, Vĩnh Phúc đã nỗ lực không ngừng để trồng mới, quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là “Giữ ổn định độ che phủ rừng của tỉnh ở ngưỡng 25% đến năm 2025”.
Vĩnh Phúc hiện có khoảng 27% đất tự nhiên quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp, với trên 33.400ha rừng; trong đó rừng đặc dụng trên 15.780ha chiếm 47,2%, rừng phòng hộ gần 4.160ha chiếm 12,4%, rừng sản xuất là 13.490ha chiếm 40,4%.
Xác định phát triển kinh tế rừng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời tăng hiệu quả quản lý sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng, ngành Lâm nghiệp đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các loại rừng cho phù hợp với thực tế, hoàn thiện đóng mốc giới trên thực địa 3 loại rừng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất; tổ chức giao khoán bảo vệ rừng đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.
Bên cạnh đó, đã chủ động làm tốt công tác trồng, phát triển rừng, gắn với xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế rừng, đưa các giống cây lâm nghiệp mới năng suất, chất lượng vào trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng…
Công tác xã hội hóa, huy động các tổ chức, hộ gia đình tham gia trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng rừng, xây dựng nhiều mô hình quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản tại cơ sở được quan tâm đặc biệt. Nhờ vậy, đến hết năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng của Vĩnh Phúc đã đạt 25%. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ rừng, góp phần giữ gìn tài sản thiên nhiên.
Không chỉ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển từng, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ đầu tư 161 tỷ đồng cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vĩnh Phúc đã trồng được 128ha rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng lại rừng sau khai thác gần 4.000ha; khảo nghiệm 22 mô hình cây keo lai; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên 205 ha rừng/năm; thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế gần 195ha.
Nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 24,1% năm 2017 lên 25% năm 2022 đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Qua đó đã góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu.
Hà Giang