Theo thông lệ cuối năm là thời điểm nhu cầu mua bán, sử dụng hàng hóa trong Nhân dân tăng cao, dự kiến là sức mua sẽ tăng từ 15 đến 30% đối với tùy từng mặt hàng khác nhau.
Nhằm đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường cho đợt cao điểm này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các các cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến thị trường; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có tỷ trọng thương mại lớn trên địa bàn chủ động kết nối cung cầu hàng hóa qua đó vừa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, vừa tránh tình trạng giá cả tăng cao đột biến.
Ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế khiến cho lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường trong năm nay của đại lý gạo này sụt giảm đến 40% so với những năm trước. Tuy nhiên dự báo nhu cầu tiêu dùng của dân sẽ tăng cao vào những ngày cuối năm và cận Tết Nguyên đán nên đại lý đã chủ động làm việc với các nhà cung ứng.
Theo dự báo của Sở Công Thương, dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân sẽ tăng khoảng 20% so với bình thường. Cùng với đó, các lực lượng chức năng, lực lượng quản lý thị trường tỉnh cũng đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, không để đứt gãy nguồn cung phục vụ cho Nhân dân.
Trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ngành Công Thương cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong và ngoài tỉnh; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.
Phương Liên