Huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa dân tộc thiểu số đặc sắc nhưng trong thời gian dài, hoạt động du lịch ở đây gần như bị lãng quên.
Gần đây, với nhiều nỗ lực, hoạt động du lịch ở đây đã dần khởi sắc, hứa hẹn điểm đến mới, làm phong phú du lịch tỉnh Khánh Hòa. Nhiều du khách sau khi trải nghiệm du lịch biển, đảo tại Nha Trang, Cam Ranh đã vượt khoảng 50km để lên huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.
Huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có phong cảnh hữu tình.
Huyện miền núi này không chỉ có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều loài trái cây đặc sản như sầu riêng, măng cụt, mít nghệ... mà còn có nhiều giá trị văn hóa dân tộc Raglay bản địa hết sức độc đáo. Những giá trị văn hóa như đàn đá, mã la, nhà dài ... được du khách hào hứng đón nhận.
Sau khi trải nghiệm các di tích văn hóa, thăm các vườn trái cây, du khách sẽ dừng chân bên thác Tà Gụ, xã Sơn Hiệp. Dòng thác cao đến 40m, ào ạt đổ xuống theo phương thẳng đứng, tạo nên khung cảnh hùng vĩ.
Bà Giang Thị Ngọc Dung, ở thành phố Hà Nội đi du lịch tại Khánh Hòa bày tỏ thích thú khi đến nơi này: "Quanh đây còn rất nhiều văn hóa đặc trưng của vùng, miền. Thực sự đến với mỗi vùng, miền đều có những thú vị riêng. Ví dụ như ở đây là đàn đá, có bác nghệ nhân chơi đàn rất hay. Có rất nhiều điểm hấp dẫn, bản thân tôi cũng muốn quay lại nhiều lần nữa. Dưới thành phố lên đây ít nhất về mặt địa lý, rất đẹp và rất thu hút rồi. Lên đây lại có nhiều đặc trưng vùng miền mình, nếu chú trọng tập trung thu hút, phát triển du lịch chắc sẽ thành công".
Huyện miền núi Khánh Sơn có đời sống văn hóa dân tộc thiểu số bản địa độc đáo.
Huyện miền núi Khánh Sơn chỉ cách phía Bắc bán đảo Cam Ranh và trung tâm du lịch biển, đảo phía Nam tỉnh Khánh Hòa khoảng 50 km nhưng du lịch Khánh Sơn lại chậm phát triển. Nguyên nhân chính là huyện Khánh Sơn còn khó khăn về giao thông. Việc lưu thông giữa huyện với các địa phương đồng bằng chỉ một đường duy nhất là theo Tỉnh lộ 9. Tỉnh lộ này vượt đèo Khánh Sơn quanh co, hiểm trở, nguy cơ mất an toàn giao thông cao.
Ông Lê Sỹ Trí, du khách từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi đến đây đã cho rằng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm du lịch nơi đây quá ít: "Cần phải phát triển giao thông vì hiện nay từ dưới miền xuôi lên đây, chỉ có một con đường độc đạo. Làm thêm một cung đường nối từ huyện Khánh Sơn sang huyện Khánh Vĩnh để du khách từ thành phố Nha Trang lên Khánh Sơn, vòng qua Khánh Vĩnh, đi lên Đà Lạt, sẽ tạo thành một tour du lịch rất hay. Cần tăng cường công tác truyền thông. Thiên nhiên rất đẹp nhưng nếu chúng ta ít truyền thông thì cũng không có ai người ta biết đến".
Huyện Khánh Sơn tổ chức Lễ hội trái cây thu hút du khách.
Gần đây, huyện miền núi Khánh Sơn đã đầu tư nhiều công trình để thu hút du khách, phát triển kinh tế địa phương như điểm dừng chân tại đỉnh đèo Khánh Sơn rộng hơn 1,5 héc ta; đường giao thông vào khu du lịch thác Tà Gụ; nhiều Nhà Văn hóa cộng đồng được xây mới...
Các hoạt động văn hóa liên quan đến mã la, đàn đá được truyền dạy cho người dân địa phương. Đặc biệt, từ năm 2019, Lễ hội trái cây được tổ chức thường niên và thu hút du khách. Huyện Khánh Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 100 phòng lưu trú, xây dựng được mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Sơn Hiệp, điểm du lịch sinh thái nông nghiệp ở xã Sơn Bình, đón được 23.000 lượt khách du lịch/năm, doanh thu khoảng 23 tỉ đồng và đến năm 2030 đón 45.000 lượt khách/năm.
Ngành du lịch địa phương sẽ tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, khai thác giá trị các tài nguyên du lịch, tư vấn dịch vụ, cung cấp thông tin, hình ảnh... đến gần hơn với du khách, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp.
Ông Trần Tấn Chóng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn mong muốn có các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Khánh Sơn: "Xúc tiến để hướng các đơn vị du lịch chuyên nghiệp đầu tư khai thác giúp đỡ địa phương cũng như tạo công ăn, việc làm cho thanh niên của địa phương. Quan trọng hơn hết là bảo tồn, gìn giữ và khai thác bản sắc văn hóa của người Raglay được ổn định và lâu dài".
Khánh Sơn là miền đất hội tụ đầy đủ tài nguyên thiên nhiên, thế mạnh văn hóa bản địa, truyền thống lịch sử để góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch tỉnh Khánh Hòa. Du lịch cộng đồng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào Raglai là hướng đi phù hợp đối với Khánh Sơn.
Du khách có thể tham quan tìm hiểu đời sống văn hóa, tập quán sản xuất của người dân tộc bản địa kết hợp thưởng thức các loại nông sản có thương hiệu như: sầu riêng, mía tím, chôm chôm, mít nghệ, bưởi da xanh... ngay tại các nhà vườn.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngành sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nha Trang- Khánh Hòa và huyện Khánh Sơn tập trung phát triển du lịch tại huyện miền núi này: "Cùng với các sở, ngành đã phối hợp, đã hướng dẫn nội dung triển khai thực hiện, nắm bắt tình hình tại huyện Khánh Sơn. Sắp tới đưa du lịch cộng đồng tại Khánh Sơn thành sản phẩm đặc thù của vùng đồng bào huyện Khánh Sơn, để phát huy được giá trị bản sắc dân tộc. Giới thiệu được điểm đến, sản phẩm núi rừng đặc thù".
Theo Thái Bình /VOV-Miền Trung - 29/12/2023
https://vov.vn/du-lich/du-lich-mien-nui-khanh-hoa-phat-trien-chua-tuong-xung-tiem-nang-post1068682.vov