Cập nhật: 03/01/2024 07:26:00
Xem cỡ chữ

Xác định năm 2023 là một năm đầy sóng gió, khó khăn bủa vây, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch ứng phó ngay từ đầu năm. Mặc dù kết quả của năm không như kỳ vọng, song những nỗ lực “vượt sóng” của năm 2023 sẽ là “đà bật nhảy” để doanh nghiệp Việt gặt hái thành công trong năm 2024.

Doanh nghiệp thủy sản đã đón được gói hỗ trợ tín dụng để “vượt sóng”. (Ảnh: chinhphu.vn).

Doanh nghiệp thủy sản đã đón được gói hỗ trợ tín dụng để “vượt sóng”. (Ảnh: chinhphu.vn).

 

Tháo gỡ nguồn vốn

Nhiều doanh nghiệp (DN) chia sẻ, năm 2023 là năm gặp “hạn kép” của DN khi kinh tế vừa chớm phục hồi sau “cơn sóng thần” COVID-19 thì lại gặp “cơn sóng dữ” lạm phát và thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Nửa đầu năm đơn hàng không có, người lao động bị giảm việc, giảm giờ làm. DN thì “kẹt vốn” hoặc buộc phải vay vốn với lãi suất cao. Thậm chí, cả những tập đoàn lớn - là DN đầu ngành cũng đã phải đăng đàn về vấn đề lãi suất.

Báo cáo của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận định, những vấn đề nội tại và tình hình thế giới nhiều biến động khó lường, khó dự báo đã tạo ra những khó khăn chưa từng có của DN. Do đó, để giải quyết khó khăn của DN cần có các chính sách đặc thù với các điều kiện đặc thù. Kích cầu qua đầu tư công, hỗ trợ lãi suất cho vay tiêu dùng, phát triển các thị trường để có đơn hàng vẫn là chính sách căn cơ nhất…

Bà Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV đánh giá, để cứu mình, DN đã phải cắt giảm chi phí, giảm quy mô. Các phần chi phí khác như chi phí lãi vay, chi phí thuế - phí, chi phí bảo hiểm... nằm trong “không gian” chính sách của Nhà nước. Do đó, dư địa chính sách hiện tại để giúp DN giảm chi phí, tạo dòng tiền ngắn hạn nằm ở các hỗ trợ giúp DN tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; giãn, hoãn, giảm chi phí thuế, bảo hiểm và chi phí lãi vay. Để thực hiện hiệu quả các biện pháp đồng thời này, cần có cách tiếp cận vừa tổng thể về hỗ trợ DN vừa phải phân tích “bài toán” theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Trên thực tế, Chính phủ cũng đã cùng vào cuộc với rất nhiều cuộc họp và các chỉ đạo để DN sớm có thể tiếp cận tín dụng, “vượt sóng”.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, trong năm 2023, cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản cũng giống như một số các ngành hàng xuất khẩu (XK) khác, gặp nhiều khó khăn liên quan đến tiếp cận vốn và câu chuyện lãi suất. Điều này cũng tạo ra một áp lực lớn cho các DN, kể cả những DN lớn ở ngành hàng chứ không chỉ DN nhỏ. Nhưng sau đó, đã có nhiều điều chỉnh về chính sách, DN cũng đã kịp thời đón bắt những điều chỉnh từ vĩ mô để tiếp sức cho sản xuất, kinh doanh.

“Có thể nói, sự chung tay của Chính phủ, của ngành Ngân hàng giúp cho chúng tôi không chỉ ở câu chuyện 3 - 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất trong thời gian 6 tháng cuối năm mà Chính phủ còn lắng nghe đề xuất của chúng tôi, khi có thêm gói hỗ trợ 15 ngàn tỷ đồng. Hầu như DN đều có thể tận dụng được từ gói hỗ trợ này và đã mang lại kết quả khả quan trong tình hình kinh doanh của DN những tháng cuối năm 2023” - ông Nam nói.

Đa dạng hóa thị trường

Dệt may Việt Nam đã có mặt ở 104 thị trường quốc tế. (Ảnh: chinhphu.vn).

Dệt may Việt Nam đã có mặt ở 104 thị trường quốc tế. (Ảnh: chinhphu.vn).

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngay từ khi dự báo được tình hình chung khó khăn thì ngành dệt may cũng như DN cũng đã tìm mọi cách để có thể mở rộng, đa dạng hóa các thị trường XK. “Ví dụ như trước đây, chúng tôi chỉ XK sang khoảng 80 thị trường trên thế giới nhưng năm nay, số lượng thị trường có ghi dấu ấn của dệt may Việt Nam đã lên đến ba con số. Chúng tôi thống kê theo các báo cáo gần đây nhất thì chính thức dệt may Việt Nam đã XK vào 104 thị trường trên thế giới” - ông Cẩm chia sẻ.

Tuy nhiên, đại diện Vitas khẳng định, mặc dù rất nhiều DN trong ngành đã tìm mọi cách để khai thác những thị trường nhỏ để có thể xuất đi lượng hàng đã sản xuất nhưng do kim ngạch những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc, Trung Quốc sụt giảm lớn nên các thị trường nhỏ cũng không “gánh” được hết kim ngạch XK. Do đó, cả năm 2023, ngành dệt may chỉ đạt hơn 90% kế hoạch.

Đây cũng là vấn đề mà bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam chia sẻ. Theo bà Xuân, năm 2023, da giày Việt Nam có sự tăng trưởng ở một số thị trường, trong đó có những thị trường khá lớn nhưng cũng chỉ “gánh” được kim ngạch sụt giảm ở một mức độ nhất định, để kim ngạch XK của ngành không bị giảm quá sâu trong tình trạng chung của thế giới.

Các báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu các quý trong năm 2023 đều cho thấy, mức giảm XK của Việt Nam nằm chung trong tình trạng giảm của toàn thế giới nhưng có một “điểm sáng” cần ghi nhận là mức giảm của Việt Nam luôn là mức giảm thấp nhất trong số các thị trường Top về XK trên thế giới.

Tìm kiếm cơ hội trong khó khăn

Tìm kiếm các thị trường mới để duy trì việc làm cho người lao động. (Ảnh minh họa: PV)

Tìm kiếm các thị trường mới để duy trì việc làm cho người lao động. (Ảnh minh họa: PV)

Nông sản đã có một năm khá thành công khi các thông tin về kỷ lục kim ngạch XK cũng như giá XK liên tục được đưa ra. Tuy nhiên, nhiều DN trong ngành cũng đã phải vượt qua nhiều khó khăn trong suốt chặng đường của năm 2023 để bảo đảm thành công chung cho cả ngành. Một trong những khó khăn phải kể đến là sức mua trong nước giảm mạnh khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Bà Nguyễn Thanh Huyền - Phó Giám đốc Công ty Hoàng Anh Macca (HAM) cho biết, mặc dù sản lượng công ty tiêu thụ trong năm 2023 cao hơn năm 2022 nhưng HAC đã thực sự gặp rất nhiều khó khăn với thị trường trong nước khi lượng tiêu thụ giảm rất mạnh. Công ty buộc phải đưa ra nhiều giải pháp để có thể “đi hàng” tốt hơn như giảm giá thành, chấp nhận tỷ suất lợi nhuận xuống thấp để bảo đảm công việc cho nhân công, cắt giảm chi phí tối đa… Tuy thế, các tháng đầu năm gần như không thể bán được hàng mà thời gian này “chỉ để tích trữ nhiên liệu”.

Trước thực tế “thắt lưng buộc bụng” của người tiêu dùng trong nước, HAM đã phải “đi bằng 2 chân”, tìm cách XK sản phẩm sang các thị trường phù hợp. Đó là hướng đi đến sớm kế hoạch của HAM bởi thời gian này, Công ty vẫn chủ yếu duy trì thị trường nội địa và XK sang Trung Quốc là chính.

“Trong khó khăn lại có may mắn. Do khó khăn ở thị trường nội địa, chúng tôi buộc phải xuất hàng đi và nhờ có thêm một kênh nữa để bán hàng nên doanh số năm nay của chúng tôi vẫn bảo đảm, dù lợi nhuận bị giảm. Đặc biệt, tỷ trọng XK đã tương đương với bán hàng trong nước - đó là điều mà chúng tôi không ngờ đến. Từ đây, chúng tôi sẽ mạnh dạn mở rộng sản xuất để duy trì thị trường XK cũng như đón sóng sức mua sẽ tăng trở lại trong năm 2024” - bà Huyền nói.

Đây cũng là hướng đi mà nhiều DN, ngành hàng khác tính tới khi thị trường toàn cầu nói chung vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Đại diện các DN đều cho rằng, trong bối cảnh chung này, duy trì được lao động, mở rộng thêm được thị trường (dù không tăng lợi nhuận) cũng đã là thành công với mỗi DN.

Đáng chú ý, nhiều DN kỳ vọng, trong khó khăn, nội lực sẽ được bùng nổ. Khi DN buộc phải thúc đẩy khâu bán hàng, làm tốt hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại và điều chỉnh công nghệ sản xuất, giảm chi phí - những việc buộc phải làm này sẽ là những “hạt mầm” nảy nở, nền tảng mạnh mẽ trong những năm sau…

Một DN trong ngành dệt may thông tin, DN này chỉ XK sang khoảng trên 10 thị trường nhưng cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023 khi hàng tồn đọng nhiều, công ty đã phải bù lỗ và cũng chỉ giữ lại một lượng công nhân đủ để duy trì hoạt động. DN đã phải tìm nhiều cách tháo gỡ bằng cách tận dụng số vải, nguyên vật liệu đã mua để sản xuất trang phục bán tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, DN đã tìm cách chuyển hướng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới ở thị trường châu Á, châu Phi, để có thể bán những sản phẩm đã sản xuất, giá thành thấp hơn, nhằm thu hồi vốn và tiếp tục bổ sung nguyên phụ liệu, duy trì việc làm cho công nhân.

Theo baophapluat.vn - 03/01/2024

https://baophapluat.vn/doanh-nghiep-viet-mot-nam-vuot-song-ca-post500428.html