Cập nhật: 07/01/2024 08:58:00
Xem cỡ chữ

Trước những yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng sản phẩm nên việc nâng cao năng suất và chất lượng trái thanh long ruột đỏ đang là mối quan tâm hàng đầu của người trồng. Trong đó, cần thiết phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các kỹ thuật sinh học trong canh tác thanh long, cho chất lượng trái đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Nhanh nhạy chủ động tiếp cận với công nghệ mới, anh Nguyễn Đắc Thành, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch đã tiên phong ứng dụng công nghệ số vào trồng thanh long ruột đỏ theo công nghệ hiện đại, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình được đầu tư hệ thống tưới, bón phân tự động, hệ thống giám sát và dự báo khí hậu tự động, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, anh Thành hoàn toàn có thể quản lý việc tưới tiêu và bón phân của 10 ha cây thanh long của gia đình.

Thông qua mô hình giúp người sản xuất quản lý tốt quá trình sinh trưởng của cây trồng; cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, nước tưới theo giai đoạn; tiết kiệm được 50% lượng nước so với cách tưới truyền thống; tiết kiệm khoảng 30% phân bón vì phân bón được cung cấp qua hệ thống tưới nên không bị bốc hơi, rửa trôi. Từ đó giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất.

Từ hiệu quả mô hình áp dụng công nghệ số trong sản xuất thanh long, ngành Nông nghiệp tiếp tục xây dựng một số mô hình chuyển đổi số trên cây trồng chủ lực của tỉnh để người sản xuất có điều kiện nhân rộng, quảng bá sản phẩm và nâng cao vị thế, giá trị sản phẩm nông nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0.

Đặng Thưởng