Oxalat là hợp chất hữu cơ có trong thực phẩm có thể tích tụ trong thận, làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Vậy oxalat ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào và có thực sự cần loại bỏ thực phẩm này không?
1. Oxalat tích tụ có thể gây hình thành sỏi thận
Oxalat, còn được gọi là acid oxalic, là một hợp chất tự nhiên được tìm thấy trong nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Một số oxalat phổ biến nhất có trong các nguồn thực vật như trái cây, rau, quả hạch và hạt. Ngoài ra, oxalat cũng được cơ thể chúng ta sản xuất một cách tự nhiên. Trong cơ thể, oxalat thường liên kết với các khoáng chất như canxi và được đào thải ra khỏi cơ thể qua phân. Tuy nhiên, lượng oxalat cao có thể tích tụ trong thận, dẫn đến hình thành sỏi thận.
Sỏi thận xảy ra khi các chất khoáng cứng hình thành bên trong lớp lót bên trong của thận, gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn và nôn. Mặc dù có nhiều loại sỏi thận khác nhau nhưng sỏi canxi oxalat được coi là một trong những loại phổ biến nhất. Chúng có nhiều khả năng phát triển trong nước tiểu đậm đặc.
Lượng oxalat cao tích tụ có thể dẫn đến hình thành sỏi thận.
2. Có cần loại bỏ oxalat ra khỏi chế độ ăn uống không?
Trong chế độ ăn cho người bị sỏi thận có thể cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm oxalat để ngăn chặn sự hình thành sỏi. Tuy nhiên, nhiều loại thực phẩm chứa oxalat cũng giàu chất dinh dưỡng khác, đặc biệt là magie và chất xơ có lợi cho sức khỏe.
Các nghiên cứu cho thấy, việc ăn các loại thực phẩm có hàm lượng oxalat cao ở mức độ vừa phải như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh sẽ không gây ra tác động xấu đến sức khỏe. Những người khỏe mạnh không cần phải tránh thực phẩm giàu dinh dưỡng chỉ vì chúng có nhiều oxalat vì nhiều loại thực phẩm này rất giàu vitamin và khoáng chất quan trọng khác mà cơ thể cần.
Đối với những người bị sỏi thận hoặc có xu hướng hình thành sỏi thận nên ăn chế độ ăn ít oxalat. Bên cạnh đó, việc ngâm hoặc nấu thực phẩm có thể làm giảm đáng kể nồng độ oxalat giúp tối đa hóa khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
3. Các thực phẩm giàu oxalat
Oxalat được tìm thấy trong hầu hết các loại thực phẩm thực vật với số lượng khác nhau trong nhiều loại trái cây, rau, quả hạch và hạt. Trong khi đó, hầu hết các sản phẩm động vật như thịt, cá và gia cầm chỉ chứa một lượng nhỏ oxalat.
Một số thực phẩm hàng đầu chứa nhiều oxalat bao gồm:
-
Rau: bông cải xanh, đậu bắp, tỏi tây, củ cải đường, khoai tây, cà tím, khoai lang, bí xanh, cà rốt, cần tây, ô liu, rau mùi tây, rau diếp xoăn, ớt, rau bina…
-
Trái cây: quả mâm xôi, việt quất, kiwi, quýt, sung…
-
Các loại hạt: hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng, hạt vừng…
-
Các loại đậu và sản phẩm từ đậu nành: đậu phụ, sữa đậu nành, đậu xanh, miso…
-
Các loại ngũ cốc: bột ngô, mầm lúa mì, bánh mì nguyên hạt, kiều mạch và quinoa
-
Đồ uống: ca cao/sô cô la, trà đen, cà phê, bia đen…
4. Chế độ ăn ít oxalat phù hợp cho người bị sỏi thận
Đối với người bị sỏi thận hoặc có nguy cơ bị sỏi thận, chế độ ăn ít oxalat thường được khuyến khích. Chế độ ăn ít oxalat thường cung cấp ít hơn 40-50 miligam oxalat mỗi ngày. Ngoài việc hạn chế ăn oxalat cần giữ đủ nước, kiểm soát lượng protein là những lưu ý quan trọng khác trong chế độ ăn uống.
Dưới đây là một số bước đơn giản để thực hiện chế độ ăn ít oxalat:
Ăn thực phẩm có hàm lượng oxalat thấp
Giảm thiểu lượng thức ăn có hàm lượng oxalat cao từ danh sách trên có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận. Đồng thời có thể ăn nhiều loại thực phẩm có hàm lượng oxalat thấp.
Có rất nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng đồng thời ít oxalat như:
-
Trái cây: chuối, anh đào, xoài, bưởi, dưa, nho, đu đủ.
-
Rau: súp lơ, su hào, hẹ, nấm, dưa chuột, bắp cải, đậu Hà Lan…
-
Protein: thịt, gia cầm, hải sản và trứng.
-
Sản phẩm từ sữa: sữa, phô mai, sữa chua, bơ.
-
Ngũ cốc: gạo, cám ngô, bánh mì lúa mạch đen, mì trứng.
-
Đồ uống: nước, trà thảo mộc.
-
Các loại thảo mộc và gia vị: hương thảo, lá oregano, húng quế, nghệ, gừng, thì là.
Một số thực phẩm chứa lượng oxalate vừa phải có thể kết hợp vào chế độ ăn ít oxalate như:
-
Trái cây: táo, cam, mận, lê, dứa, đào, mơ.
-
Rau: atisô, thì là, măng tây, cà chua, hành tây, ngô…
-
Đồ uống: nước ép cà rốt, nước ép cà chua, nước cam…
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước sẽ làm tăng khối lượng nước tiểu đi qua thận, giúp làm loãng nồng độ của các khoáng chất, chúng sẽ ít có khả năng kết tinh và tạo thành cặn sỏi. Ngoài ra, nước còn giúp di chuyển sỏi qua đường tiết niệu và được đào thải qua nước tiểu. Người bệnh sỏi thận nên uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày.
Ăn lượng protein vừa phải
Ăn quá nhiều protein động vật có thể góp phần hình thành sỏi thận. Trong một chế độ ăn uống lành mạnh, nên ăn khoảng 10-35% tổng lượng calo là protein (thịt, cá, thịt gia cầm, các loại đậu, quả hạch và hạt).
Chế biến bằng cách luộc và hấp giúp giảm lượng oxalat trong rau.
Nấu/ngâm thực phẩm có chứa oxalat
Phương pháp chế biến luộc và hấp có thể giúp giảm lượng oxalat trong một số thực phẩm như rau xanh. Bạn nên luộc rau trong 6-10 phút hoặc hấp trong vài phút cho đến khi mềm.
Ngâm ngũ cốc và các loại đậu cũng có thể giúp giảm hàm lượng oxalat đồng thời giảm thiểu hàm lượng các chất phản dinh dưỡng khác như phytate, chất ức chế protease, lectin và tannin.
Theo BSCKII. Trịnh Hùng, Phó Trưởng Khoa Nội Thận khớp, Bệnh viện 198, để ngăn ngừa biến chứng của sỏi thận, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn dùng thuốc và chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp.
Để phòng ngừa sự hình thành cũng như tái phát sỏi, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học. Cần lưu ý uống đủ nước 2 - 3 lít/ngày. Nên ăn nhiều chất xơ và rau. Đồng thời cần giảm đạm 0.8-1g/kg/ngày, giảm muối 4-5g/ngày trong khẩu phần ăn. Tránh bổ sung quá nhiều vitamin C, canxi không quá 1-1.2g/ngày.
Theo suckhoedoisong.vn - 11/01/2024
https://suckhoedoisong.vn/an-thuc-pham-chua-oxalat-co-gay-soi-than-khong-169240109123132169.htm