Bệnh có thể gây tổn thương và biến chứng nghiêm trọng ở nhiều cơ quan như khớp, đường tiêu hóa, thận… thậm chí gây tử vong đối với trẻ em.
Bệnh nhi P.B.M. (8 tuổi, sống tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) đến thăm khám tại Bệnh viện Bãi Cháy với biểu hiện ban xuất huyết rải rác trên da vùng cẳng chân hai bên, đau khớp cổ chân, đầu gối, đi lại khó khăn.
Kết quả siêu âm hai khớp gối có hình ảnh dịch dày, phù nề nhẹ phần mềm quanh gối. Dựa trên thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm mao mạch dị ứng thể khớp.
Trẻ được điều trị bệnh theo phác đồ. Sau 5 ngày, tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định và được xuất viện.
Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhi (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Theo các bác sĩ viêm mao mạch dị ứng là bệnh lý cấp tính với nguyên nhân chủ yếu là rối loạn tự miễn dịch gây viêm, chảy máu lan tỏa vi mạch ở nhiều cơ quan, từ đó sinh ra các biến chứng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Bệnh viêm mao mạch dị ứng chủ yếu xảy ra ở trẻ em và những người trẻ tuổi, với 50% các trường hợp xảy ra trước 5 tuổi và 75% xảy ra trong độ tuổi 3-10, độ lưu hành bệnh trong độ tuổi 2-16 khoảng 2%, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới gấp 2 lần nữ.
Hiện nay, nguyên nhân của bệnh viêm mao mạch dị ứng, chưa được biết rõ nhưng có một số yếu tố khiến trẻ dễ bị bệnh như: Sau nhiễm trùng một số virus (thủy đậu, rotavirrus, adenovirus…) hoặc vi khuẩn (mycospalasma, helicobacter pylori, lỵ trực khuẩn…); sau tiêm phòng một số vaccine....
Dấu hiệu bệnh điển hình ở trẻ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Theo BSCKII Nguyễn Thị Huyền, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, trẻ mắc bệnh tùy theo thể bệnh sẽ có những dấu hiệu như sau:
- Biểu hiện ở ngoài da: Phát ban dạng xuất huyết dị ứng, chủ yếu ở 2 cẳng chân và tay;
- Biểu hiện ở khớp: Sưng đau các khớp chủ yếu ở khớp gối và cổ chân, có thể xuất hiện trước phát ban 1-2 tuần, khi khỏi bệnh thì hết đau khớp và không để lại di chứng.
- Biểu hiện ở tiêu hóa: Đau bụng, nôn và buồn nôn, có thể đại tiện phân có máu
- Biểu hiện ở thận và tiết niệu: Đái máu hoặc đại thể hoặc vi thể, có thể phù nhẹ tùy mức độ tổn thương thận.
Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, trẻ có thể bị các biến chứng nặng ở đường tiêu hóa như: lồng ruột cấp, tắc ruột, nhồi máu, thủng đại tràng, viêm tụy cấp…
Ngoài ra, trẻ có thể đối mặt biến chứng thận như: viêm cầu thận, suy thận cấp, hội chứng thận hư, suy thận phải lọc thận nhân tạo…, tổn thương tim, phổi như nhồi máu cơ tim, xuất huyết phổi hoặc tràn dịch màng phổi… thậm chí tử vong.
Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo phụ huynh cần lưu ý biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ như sau:
- Tránh tối đa trẻ bị côn trùng đốt, tránh bị nhiễm lạnh;
- Tránh thức ăn, tiếp xúc các yếu tố xác định trong tiền sử dị ứng.
- Vệ sinh nhà cửa, quần áo, đồ chơi, đồ sinh hoạt của trẻ thường xuyên. Vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc, làm đồ ăn cho trẻ.
- Thận trọng khi dùng thuốc, không tự ý dùng thuốc, phải có đơn thuốc của bác sĩ nhất là khi dùng kháng sinh.
Với những trường hợp trẻ có các dấu hiệu như đau bụng, đái ra máu, sưng đau khớp nhiều, phát ban trên da thì cha mẹ cần đưa con đến khám tại các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa nhi.
Với những trẻ mắc viêm mao mạch dị ứng thì cần chú ý vệ sinh mũi miệng, vệ sinh da, vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ; cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, uống nhiều nước và nhiều thức ăn có chứa vitamin…
Theo dantri.com.vn - 20/1/2024
https://dantri.com.vn/suc-khoe/vet-tham-tren-da-chi-diem-benh-co-the-gay-suy-than-o-tre-20240119162553487.htm