Dù "Hiệu ứng tháng Một" có áp dụng cho giá vàng hay không, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy làn sóng mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục trong ít nhất nửa đầu năm mới.
Vàng tại Ngân hàng trung ương Cộng hòa Séc ở Prague. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nửa đầu năm 2023 là thời điểm các ngân hàng trung ương mua vàng kỷ lục, dẫn đầu là Trung Quốc và Nga.
Các tổ chức như Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) báo cáo mức tăng đáng kinh ngạc so với năm 2022.
Theo WGC, tính từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trung ương đã mua ròng 800 tấn vàng, cao hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cho dù "Hiệu ứng tháng Một" có áp dụng cho giá vàng hay không khi kết thúc tháng đầu tiên của năm 2024, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy làn sóng mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục trong ít nhất nửa đầu năm mới.
Xu hướng đẩy nhanh quá trình phi USD hóa là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu mua vàng, khi các cường quốc như Trung Quốc và Nga tiếp tục tiến xa hơn về mặt chiến lược khỏi sự thống trị của đồng USD.
Tất nhiên, hành động của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm cô lập Nga bằng các biện pháp trừng phạt sau cuộc xung đột Ukraine chỉ tạo thêm động lực để người Nga tiếp tục thoái vốn khỏi đồng USD bằng mọi cách.
Theo nhóm chuyên gia tại trang giavang.net, giá vàng biến động mạnh và tăng chênh lệch mua bán từ 2,5-3 triệu đồng là một dấu hiệu cảnh báo về mức độ không chắc chắn và rủi ro cao trong thị trường.
Kết hợp với đồng ruble không ổn định và làn sóng chi tiêu mới của Mỹ để hỗ trợ cho các cuộc xung đột ở Ukraine và Israel, điều đó chỉ có nghĩa là kho vàng của Nga sẽ tiếp tục tăng.
Để có thêm động lực mua vàng của ngân hàng trung ương, Fed (từng tuyên bố chiến thắng trước lạm phát) dường như đang từ bỏ việc chống lại lạm phát.
Fed biết rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hạ lãi suất vào năm 2024 - điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương sẽ cần một cách để phòng ngừa trước những chính sách tiền tệ nới lỏng hơn.
Lãi suất thấp hơn vào năm 2024 sẽ thúc đẩy khả năng lạm phát tăng cao hơn, dẫn đến đồng USD giảm giá, trong khi giá vàng và các hàng hóa khác tăng cao. Đây là giai đoạn để các ngân hàng bổ sung thêm vàng vào kho dự trữ của họ nhằm phòng ngừa áp lực giảm giá đối với đồng USD, ngay cả khi Fed tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến lạm phát.
Câu hỏi duy nhất là điều gì sẽ xảy ra trước: khủng hoảng đồng USD hay sụp đổ nợ công?
Lợi suất trái phiếu chính phủ bùng nổ phản ánh sự ít chắc chắn hơn về sức khỏe của nền kinh tế, khi các nhà đầu tư "chạy trốn" để tìm đến sự an toàn của trái phiếu.
Nhưng sự sụp đổ của thị trường trái phiếu sẽ gây tổn hại cho đồng USD. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn và suy thoái kinh tế, khiến mức sống của người dân trong nước giảm đáng kể.
Cuối cùng, năm 2024 thậm chí còn mang đến nhiều điều bất ổn hơn khi thế giới phải đối mặt với các cuộc xung đột đang diễn ra và đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Nhiều nhà kinh tế và các quan chức Fed vẫn chưa từ bỏ hy vọng về một “cú hạ cánh mềm” vào năm tới, điều này có nghĩa là nhu cầu vàng sẽ giảm.
Theo các nhà quan sát, nhiều dấu hiệu bất ổn, lạm phát, nợ công lớn và bất ổn địa chính trị trong năm bầu cử đều cho thấy nhu cầu tìm tới các tài sản trú ẩn an toàn sẽ diễn ra mạnh mẽ trong suốt năm nay./.
Theo (TTXVN/Vietnam+) – 22/1/2024
https://www.vietnamplus.vn/con-sot-mua-vang-cua-cac-ngan-hang-trung-uong-se-tiep-tuc-vao-nam-2024-post922496.vnp